Quảng Trị: Chè vằng là cây gì, có công dụng gì mà dân ở đây trồng thu nhập tăng hẳn lên?

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 21/04/2021 15:53 PM (GMT+7)
Mô hình trồng cây chè vằng là 1 trong những mô hình hiệu quả do Hội ND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ xây dựng. Mô hình này đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, bà con nông dân.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Anh Hai - Chủ tịch Hội ND xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết: Hội ND xã Cam Nghĩa có 12 chi Hội với 1.056 hội viên nông dân. Trong đó có 264 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ về "Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016 - 2020", Hội ND xã đã tổ chức cho hội viên thực hiện tốt 3 phong trào thi đua. Trong đó, Hội ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và dạy nghề.

Ổn định thu nhập nhờ trồng cây chè vằng - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây chè vằng của hội viên nông dân ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộc (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Nhân

Cụ thể: Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội ND xã đã xây dựng 9 mô hình kinh tế gồm: Trồng cây dược liệu chè vằng, cây sắn dây; chăn nuôi bò, nuôi dê nhốt với tổng số vốn đầu tư xây dựng các mô hình 1,8 tỷ đồng. Nhìn chung các mô hình mang lại thu nhập ổn định cho hội viên, bà con nông dân, bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 26 lao động địa phương.

Trong số đó, nổi bật có mô hình trồng cây dược liệu chè vằng với diện tích 5ha của nhóm 12 hộ ở các chi hội Cu Hoan, Nghĩa Phong và Định Sơn với tổng nguồn vốn 960 triệu đồng.

Trong đó, vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội NDVN cho vay 600 triệu đồng, bình quân mỗi hộ vay 50 triệu đồng, số tiền còn lại các hộ tham gia đóng góp. "Mô hình trồng cây chè vằng đã triển khai được 2 năm, đến nay đã cho thu hoạch, mỗi ha thu hoạch đợt đầu tiên đạt năng suất từ 2 - 2,5 tấn, định kỳ mỗi năm cho thu hoạch 2 lần. Hiện tại, giá bán cây chè vằng tươi từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi ha cây chè vằng cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, mô hình cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cao dược liệu thành sản phẩm cao chè vằng ở làng nghề Định Sơn, xã Cam Nghĩa với giá bán từ 150.000 - 160.000 đồng/kg cao khô, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, bà con nông dân"- ông Hai cho biết.

Cùng với mô hình trồng chè vằng, các cấp Hội ND huyện Cam Lộ còn hỗ trợ hội viên xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi lợn liên kết, ứng dụng công nghệ mới ở xã Cam Thanh; nuôi lợn rừng ở xã Cam Thành; nuôi thỏ, lợn, chim bồ câu Pháp ở xã Cam Thủy; trồng sắn dây ở xã Cam Chính; cải tại vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả ở xã Cam Hiếu; nuôi bò lai sinh sản ở các xã Cam Thủy...

Theo báo cáo Hội ND huyện Cam Lộ: Đồng hành hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đến nay, 100% hội cơ sở và Hội Nông dân huyện đều huy động được Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổ chức hoạt động vay vốn thông qua ủy thác từ các ngân hàng. 100% cơ sở Hội tổ chức được các dịch vụ cung ứng, phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho nông dân khi có yêu cầu.

Trong 3 năm (2018- 2020), Hội ND huyện phối hợp tổ chức 23 lớp tập huấn chuyển giao KHKT thu hút 1.443 hội viên tham dự; xây dựng mới 18 mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới có hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem