Quảng Trị: Loài cây suốt 10 năm trời mất giá chán chê, nay dân cứ xách thùng ra vườn là có tiền triệu

Thứ ba, ngày 27/07/2021 19:05 PM (GMT+7)
Sau khoảng 10 năm rớt giá sâu gần như chạm đáy, thời gian gần đây giá mủ cao su tăng cao trở lại khiến người trồng cao su ở một số địa phương của tỉnh Quảng Trị hết sức vui mừng.
Bình luận 0

Thay cho khung cảnh những vườn cây cao su ảm đạm bị bỏ bê chăm sóc như nhiều năm trước, giờ đây không khí lao động tại những vườn cao su nhộn nhịp trở lại, báo hiệu loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” một thời nay đã hồi sinh.

Quảng Trị: Loài cây suốt 10 năm trời mất giá chán chê, nay dân cứ xách thùng ra vườn là có tiền triệu - Ảnh 1.

Cạo mủ cao su -Ảnh: Đ.V

Niềm vui trở lại

Những người gắn bó lâu năm với cây cao su ắt hẳn thấm thía sự thăng trầm của loài cây được mệnh danh “vàng trắng” một thời này trong khoảng một thập kỷ qua. 

Từ thời điểm hoàng kim khi giá mủ tăng cao kỷ lục ghi nhận được từ cuối năm 2009 đến năm 2010, đã giúp những hộ trồng cây cao su trong cả nước nói chung và tại tỉnh Quảng Trị nói riêng “mở mắt là thấy tiền triệu”. 

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012 trở đi, giá mủ cao su xuống thấp và kéo dài chu kỳ cả thập kỷ khiến người trồng lâm vào cảnh lao đao, bế tắc. Họ lưỡng lự, phân vân không biết nên duy trì hay chặt bỏ loại cây này vì “bỏ thì thương, vương thì nặng”. Cho đến từ đầu mùa khai thác mủ cao su năm 2021, giá mủ bắt đầu tăng cao. 

Theo các chuyên gia dự báo, trong giai đoạn trung hạn từ 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần…

Nguyên nhân là do ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn cung cao su; nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển; việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.

Đây là những tín hiệu tích cực để người trồng cao su tập trung chăm sóc, phục hồi năng suất, hiệu quả của vườn cây nhằm nâng cao thu nhập và đưa cây cao su trở lại vị thế của một thời hoàng kim.

Theo đó, nếu như giai đoạn 2012-2020 giá mủ cao su khô chỉ đạt từ 25-30 triệu đồng/tấn thì hiện nay đã tăng cao ở mức từ 43-45 triệu đồng/tấn. 

Giá mủ nước trước kia chỉ khoảng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg thì hiện nay ghi nhận đạt từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt 20.000 đồng/kg. Tuy chưa thể đạt mức kỷ lục của thời vàng son song với người trồng cao su vốn gặp khó khăn trong suốt một thời gian dài, thì mức giá như trên đã là niềm mơ ước.

Anh Hoàng Công Mê Sang, chủ khu trang trại khoảng 5 ha ở vùng gò đồi Trằm Mang thuộc thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng tỏ ra rất phấn khởi khi nhắc đến tín hiệu vui từ cây cao su. Anh Sang cho biết, anh từng có thời gian 5 năm làm công nhân cạo mủ cao su ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Thời điểm đó cũng là thời kỳ giá mủ cao su ở mức cao và người trồng cao su đổi đời nhanh chóng. Gia đình anh Sang có khu trang trại ở vùng đồi Trằm Mang, hồi trước chủ yếu trồng rừng nhưng khi nhận thấy cây cao su có tiềm năng lớn nên bàn với gia đình chuyển đổi một phần diện tích khoảng hơn 2 ha sang trồng loại cây này. 

“Sau khi nghỉ làm công nhân cạo mủ cao su, khoảng 11 năm trước tôi về tiếp quản khu trang trại của ba tôi để lại. Ngoài 2 ha cao su đã khai thác cách đây 3 năm thì trang trại tôi còn trồng thêm cây ăn quả như dừa, ổi và trồng tràm. 

Những năm trước, giá mủ cao su quá thấp cộng với bị hư hao do bão làm gãy khoảng 100 gốc khiến nhiều lúc tôi thấy nản vô cùng, có khi còn nghĩ đến chuyện chặt bỏ hết để chuyển sang cây trồng khác. May thay đợt này giá mủ tăng và dự báo sẽ ổn định trong một thời gian dài nên tôi và nhiều gia đình trồng cao su ở địa phương rất phấn khởi”, anh Sang nói. 

Vừa tranh thủ dạo quanh vườn, anh Sang vừa cho biết, cao su cạo khoảng 2 nhát là anh đổ mủ và vận chuyển đi nhập bán cho thương lái đóng tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. 

“Cứ khoảng 4 ngày tôi chở một chuyến mủ đông đi bán, mỗi ngày bình quân tôi có thu nhập từ cao su khoảng 500- 600.000 đồng. Nhờ giá mủ cao nên gia đình tôi có thu nhập ổn định và có điều kiện tái đầu tư chăm sóc cho cây cao su để tăng năng suất mủ”, anh Sang nói thêm. 

Ở vùng gò đồi thôn Xuân Lâm, ngoài gia đình anh Sang thì trước đây có khoảng 9 hộ trồng cây cao su. Tuy nhiên, những năm trước do giá mủ quá thấp cộng với vườn cây bị trâu bò phá nên nhiều hộ đã phá bỏ, hiện tại chỉ còn khoảng 4-5 hộ còn trồng cao su với tổng diện tích khoảng 10 ha.

 

Quảng Trị: Loài cây suốt 10 năm trời mất giá chán chê, nay dân cứ xách thùng ra vườn là có tiền triệu - Ảnh 3.

Anh Hoàng Công Mê Sang, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) thu gom mủ cao su để vận chuyển bán cho thương lái -Ảnh: Đ.V

Vợ chồng anh Võ Hảo và chị Đoàn Thị Kim Cảnh ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong tỏ ra phấn khởi vì giá mủ cao su tăng cao và vườn cao su của gia đình cho sản lượng mủ khá lớn nhờ được chăm sóc tốt. 

Tranh thủ đổ mủ sau hai nhát cạo, chị Cảnh cho biết gia đình chị trồng 1,5 ha cao su từ năm 2009. Đợt này giá cao nên mỗi ngày bình quân gia đình chị có thu nhập khoảng hơn 800.000 đồng từ cao su. Những năm qua, thôn Trấm là địa bàn hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn nên cuộc sống của người dân ảnh hưởng nhiều. 

Nay đã có con đường bê tông mới được xây dựng nối từ đập tràn lên tận thôn Trấm nên việc đi lại thuận lợi, thương lái thu mua mủ cao su đã lên tận nơi nên bán được giá cao hơn, người dân rất phấn khởi.

Gia đình ông Ăm Hiếu ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) thời gian qua cũng có thu nhập khá để trang trải cuộc sống nhờ giá mủ cao su tăng trở lại. 

Ông Hiếu cho biết gia đình mình trồng được 4 ha cây cao su, hiện nay đã cho khai thác 2 ha, 2 ha còn lại sang năm khai thác. 

“Tôi ở thôn có nhiều người miền xuôi lên lập nghiệp nên được họ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su rất thuận lợi. Hiện nay với 2 ha cao su đang khai thác, tính thấp nhất mỗi ngày gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng 500-600.000 đồng. Có được thu nhập cao, vợ chồng tôi rất vui, đảm bảo được cuộc sống và chăm lo tốt việc học hành cho con cái”, ông Hiếu vui vẻ cho biết.

Tập trung chăm sóc vườn cây

Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Hoàng Tuấn Thám cho biết, khai thác thế mạnh về đất đai để phát triển kinh tế vùng gò đồi đã được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng. 

Vì vậy những năm qua, địa phương đã khuyến khích, vận động và hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với những loại cây - con phù hợp để triển khai tại vùng gò đồi của xã. Bên cạnh rừng trồng, cây ăn quả thì cây cao su cũng được địa phương phát triển và xem là loại cây chủ lực.

Đến nay, toàn xã Hải Lâm phát triển được 31 ha cây cao su và phần lớn diện tích đã bước vào thời kỳ khai thác mủ. “Địa phương vận động Nhân dân tập trung chăm sóc, khai thác hiệu quả vườn cao su hiện có. Bên cạnh đó, hiện nay xã đang xúc tiến để thành lập tổ hợp tác thu mua mủ cao su nhằm giúp bà con ổn định đầu ra thuận lợi hơn”, ông Thám thông tin. 

Anh Võ Hùng Phong, trưởng thôn Trấm, xã Triệu Thượng cho biết, hiện nay toàn thôn Trấm có khoảng 30 ha cao su, trong đó đa phần diện tích đã cho khai thác mủ. Theo anh Phong, thời điểm mới trồng khoảng từ năm 2009 trở đi, thôn có hơn 60 ha cao su, tuy nhiên vài năm sau do giá giảm quá thấp nên nhiều hộ chặt bỏ cây cao su chuyển qua trồng keo tràm. 

“Những hộ chặt bỏ cây cao su để chuyển hướng qua cây trồng khác chủ yếu có diện tích nhỏ và sinh kế gia đình của họ hạn chế do không có rừng hoặc có ít đất canh tác hoa màu. Với những hộ giữ được vườn thì những năm trước đây cũng chỉ khai thác cầm chừng để mua phân bón chăm sóc duy trì vườn cây. 

Nay khi giá mủ tăng, nhiều gia đình trong xã có thu nhập cao. Ở thôn còn nhiều khó khăn như Trấm thì việc người dân có được nguồn thu nhập khá như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều việc quan trọng”, anh Phong phấn khởi.

Quảng Trị: Loài cây suốt 10 năm trời mất giá chán chê, nay dân cứ xách thùng ra vườn là có tiền triệu - Ảnh 4.

Cở sở thu mua, sơ chế mủ cao su ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị)-Ảnh: Đ.V

Với thế mạnh về đất đai, khí hậu, những năm qua xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đã phát triển mạnh cây cao su và đây cũng là địa phương có diện tích cây cao su khá lớn trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa. 

Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách cho biết, sau nhiều năm phát triển (bắt đầu từ năm 2006), đến nay diện tích cây cao su của toàn xã đã đạt 600 ha, trong đó có 400 ha đã cho khai thác mủ. 

Xã A Dơi phấn đấu những năm tới, mỗi năm sẽ chuyển đổi được khoảng từ 20 ha diện tích đất trồng sắn đã bị bạc màu sang trồng cây cao su. 

“Trên cơ sở nhu cầu đăng ký của các hộ dân, xã sẽ tiếp nhận nguồn giống cây cao su được Nhà nước hỗ trợ để cấp cho bà con trồng. Ngoài ra, xã cũng đăng ký nguồn giống để hỗ trợ cho các hộ nghèo tại địa phương trồng để tạo sinh kế thoát nghèo. Hiện nay, tại địa phương cũng đã có một cơ sở thu mua, sơ chế mủ cao su nên tạo thuận lợi về đầu ra cho người dân”, ông Cách cho hay.

Thời gian qua, để phát triển cây cao su, xã A Dơi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc, cách cạo mủ cao su. Mới đây, xã cũng đã có văn bản gửi UBND huyện xin thành lập hợp tác xã chuyên về cây cao su. 

Bên cạnh đó, địa phương vận động người dân vay vốn, đầu tư cây giống cao su để sản xuất. Điều đáng mừng là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã ủng hộ chuyển đổi và tham gia sản xuất. 

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân 4 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số của xã sinh sống để thực hiện chuyển đổi sản xuất. Trong đó mục tiêu phấn đấu là diện tích cao su mỗi hộ đạt khoảng 2 ha, từng bước xóa đói giảm nghèo và mở ra hướng làm giàu trong tương lai”, ông Cách thông tin thêm.

Hiếu Giang (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem