Quảng Trị: Phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ

Đất Lúa Thứ năm, ngày 17/08/2023 11:26 AM (GMT+7)
Từ ngày 1/10/2022 đến 31/7/2023, tại Quảng Trị xảy ra 4 vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận 0

Ngày 17/8, nguồn tin của PV Dân Việt cho biết, từ ngày 1/10/2022 đến 31/7/2023, tại tỉnh Quảng Trị phát hiện 4 vụ án tham nhũng, chức vụ thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Vụ án đầu tiên, ngày 17/10/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, vụ án đang được công an điều tra.

Quảng Trị: Phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ - Ảnh 1.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị - nơi xảy ra vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: N.V

Vụ việc xuất phát từ việc Thanh tra tỉnh Quảng Trị phát hiện năm 2019 và 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xảy ra hàng loạt sai phạm liên quan đến chi ngân sách, đầu tư xây dựng với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, chi thanh toán trùng hơn 43 triệu đồng; thanh toán nhưng chưa thực hiện, thanh toán vượt số lượng, khối lượng thực tế hơn 293 triệu đồng; thanh toán không đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng 44,3 triệu đồng; lập hồ sơ khống để nghiệm thu thanh toán hơn 534 triệu đồng tiền diễn tập, tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng; thanh toán vượt khối lượng thi công cho 3 nhà thầu hơn 147 triệu đồng.

Sau đó, ông Trần Văn Tý – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị bị cách chức hết tất cả các chức vụ trong Đảng, cách chức Chi cục trưởng, cho về làm nhân viên.

Hai ông Trần Hiệp – Phó Bí thư chi bộ Văn phòng Chi cục Kiểm lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Văn Ngọc Thắng – Chi uỷ viên chi bộ Văn phòng Chi cục Kiểm lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có vi phạm, khuyết điểm nhưng chưa đến mức áp dụng hình thức kỷ luật, cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị vẫn chưa có Chi cục trưởng mới mà phải cử một Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm nhiệm phụ trách.

Vụ án thứ hai là vụ "Tham ô tài sản" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, đã kết thúc điều tra vào đầu tháng 7/2023.

Liên quan vụ án này, cuối tháng 7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với hai nhân viên công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị (CDC Quảng Trị) liên quan hành vi mua bán kit test xét nghiệm với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Quảng Trị: Phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ - Ảnh 2.

Cơ quan công an đọc lệnh bắt đối với Lê Quang Việt và Đỗ Đình Phi. Ảnh: Công an Quảng Trị

Hai nhân viên bị Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố để điều tra hành vi tham ô tài sản là Lê Quang Việt (43 tuổi, trú tại khu phố 7, phường 5, thành phố Đông Hà) và Đỗ Đình Phi (41 tuổi, trú tại khu phố 11, phường 5, thành phố Đông Hà).

Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng kit test PCR Covid-19 do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất, Việt và Phi đã lấy kit test bán lại cho Công ty cổ phần công nghệ Việt Á để thu lợi bất chính.

Vụ án thứ ba, giữa tháng 3/2023, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Cương - Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị về tội "Giả mạo trong công tác".

Quảng Trị: Phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ - Ảnh 3.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đình Cương. Ảnh: Xuân Nha

Theo điều tra, Nguyễn Đình Cương là giám định viên, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị đã có hành vi lập sai nội dung một bản kết luận giám định thương tích lại. Cụ thể, Nguyễn Đình Cương đã làm sai lệch bản kết luận giám định thương tích lại trong vụ việc "Cố ý gây thương tích", xảy ra tại thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từ tỉ lệ thương tích 15% xuống còn 9% (từ giám định người được giám định gãy 6 xương sườn nhưng bản giám định lại chỉ cho kết quả giám định gãy 4 xương sườn).

Hiện Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vẫn đang tiếp tục tiến hành mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án.

Vụ án thứ tư, năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" với ông Nguyễn Bá Thi (SN 1979, trú tại khu phố 8, phường 5, TP.Đông Hà). Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố thêm bị can Nguyễn Thị Hồng Hải để điều tra về hành vi của vụ án trên.

Lúc bị bắt, Nguyễn Bá Thi đang đương chức Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND phường 5, thành phố Đông Hà.

Bước đầu công an xác định, thời điểm đang làm Phó Chủ tịch UBND phường 5, Nguyễn Bá Thi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn xác nhận sai nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của một hộ dân, gây thất thu của Nhà nước 8,4 tỷ đồng tiền thuế.

Quảng Trị: Phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt ông Thi (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Công an tỉnh Quảng Trị

Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị còn phát hiện một số vụ án tham nhũng khác, đã được đưa ra xét xử.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đã quán triệt, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nổi bật là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập và hoạt động đã làm tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống tham nhũng. Các hành vi tiêu cực, sai phạm, thiếu sót được kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, ngăn chặn kịp thời các hậu quả do hành vi tiêu cực, lãng phí gây ra.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao. Việc tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.

Dự báo tình hình tham nhũng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là ở một số lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng…

Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem