Hoàng đế Nguyễn Huệ và 3 dự định lớn với Trung Quốc

Minh Đức Chủ nhật, ngày 02/01/2022 20:30 PM (GMT+7)
Sau chiến thắng Kỷ Dậu và lần đi sứ thành công, Nguyễn Huệ đã mở lại cửa khẩu thông thương biên giới phía Bắc với Trung Quốc, đồng thời đưa ra 3 dự định lớn...
Bình luận 0

Trước nay nói về Nguyễn Huệ ngoài thành tích chiến trận bách chiến bách thắng thì trong 4 năm lên ngôi vua, sách giáo khoa cũng ghi thêm một số thành tích khác của Nguyễn Huệ về những canh cải trên phương diện giáo dục và kinh tế, có xu hướng mở cửa thông thương buôn bán với nước ngoài, khác với điều sách gọi là “tư tưởng bế quan tỏa cảng” của nhà Nguyễn.

Chúng ta đều biết rằng sử liệu về thời kỳ này rất mỏng manh, và 4 năm thực sự là chưa đủ để bất kỳ kế hoạch nào có thể phát huy hiệu quả lớn lao, huống chi còn bị nhà Nguyễn xóa sạch, nên có người thắc mắc rằng: Các nhà sử gia kết luận những điều này căn cứ từ đâu? Nó là một lời bịa đặt tuyên truyền để tô điểm hào quang cho Tây Sơn, cho Nguyễn Huệ? Hay có dựa trên những nghiên cứu thực sự nghiêm túc?

Quang Trung Nguyễn Huệ đã tiến hành cải cách kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Tượng Quang Trung Nguyễn Huệ

Ở đây cũng phải nói thêm rằng, có một nỗi oan lâu nay Nguyễn Ánh vẫn gánh đó là ông ta chủ trương bế quan tỏa cảng. Kỳ thực thì không phải như thế, ở đời Gia Long – Minh Mạng, nước ta vẫn mở cửa mua bán với bên ngoài bình thường, thậm chí Nguyễn Ánh từng viết thư để mời nước ngoài giao thương, Minh Mạng cho tàu buôn đến tận Singapore. Bế quan tỏa cảng thực sự phát sinh là ở cuối thời Nguyễn.

Chỉ là vấn đề nằm ở chỗ: Thương mại ở thời điểm này vẫn là độc quyền của triều đình, các chuyến buôn của nhà Nguyễn thường mang mục đích chính trị hơn là lợi nhuận và ngoài tạo điều kiện cho tham nhũng thì nó đóng góp rất ít ỏi đến nền kinh tế, thêm nữa những chính sách cai trị của Gia Long và Minh Mạng dù là vô tình hay cố ý thì cũng đã bóp chết ngành tiểu thủ công nghiệp trong nước vốn đã rất yếu ớt sau một thời gian dài chiến loạn.

Hàng hóa giao dịch của nước ta thời đó chủ yếu là vật phẩm thô như tơ (raw silk) hoặc các loại lâm, thổ sản, mà chủ yếu cũng dùng để đổi chác vũ khí là chính, mặt hàng nhiều để buôn bán chủ yếu là gạo, mà toàn đa số toàn là buôn lậu để đổi chác thuốc phiện về bán kiếm lời cho nên kinh tế hàng hóa trong nước không phát triển được. Với cái nền móng như thế kỳ thực mở cửa hay đóng cửa nền kinh tế thực sự không có gì khác biệt.

Ngoại trừ một nền quân sự tương đối mạnh mẽ được rèn luyện trong thời gian dài chinh chiến thì nước ta khi đó hầu như chẳng có cái gì khác đủ để so với các nước xung quanh cả, văn hóa giáo dục không, nền tảng kinh tế càng là thua xa.

Cho nên, vấn đề cần làm cấp bách vào thời điểm đó chính là xây dựng lại một nền móng kinh tế hàng hóa trong nước, chứ không nhất thiết phải chú trọng đến việc mở cửa thông thương với châu Âu. Kỳ thật Nhật Bản đã trải qua một thời gian khá dài bế quan tỏa cảng với phương Tây, nhưng sau này vẫn phát triển rất tốt, là do họ đã tạo được những nền móng vững chắc cho cải cách từ giáo dục cho đến kinh tế trong thời gian dài trước đó.

Trên góc độ này, dựa vào một số tài liệu văn thư mới phát hiện của Tây Sơn và nhà Thanh, cùng nghiên cứu của Kathirithamby-Wells trong chuyên khảo: “The Age of Transition: The Mid-Eighteenth to the Early Nineteenth Centuries”, Nguyễn Duy Chính đã tổng hợp lại và đưa ra những phát hiện liên quan đến dự định của Nguyễn Huệ cũng như hiệu chỉnh lại một số diễn dịch sai lầm trước đây (Chuyên khảo “Khai quan thông thị” – Nguyễn Duy Chính).

Sau chiến thắng Kỷ Dậu và lần đi sứ thành công, Nguyễn Huệ đã mở lại cửa khẩu thông thương biên giới phía Bắc với Trung Quốc ở hai nơi: Mục Mã tại Thủy Khẩu, Kỳ Lừa tại Do Thôn, và sau này Cảnh Thịnh mở thêm một cửa khẩu tại Hoa Sơn ở Bình Nhi. Tuy số liệu cụ thể không được đưa ra nhưng dựa theo lời tâu của các quan lại biên giới nhà Thanh, “có thể nhận thấy việc mở cửa lại các cửa quan đã ảnh hưởng lớn đến việc giao thương ở miền Bắc nước ta, vực dậy một khu vực bị chiến tranh và nạn cát cứ tàn phá trong một thời gian dài”.

Ngoài ra theo văn thư ngoại giao, Nguyễn Huệ còn có 3 dự định:

Chuyển từ ba năm triều cống một lần lên thành hai năm một lần. Hỏi cưới một cô công chúa nhà Thanh. Xin mua hàng số lượng lớn và có dự định đem thợ qua đó học kỹ thuật để đem về nước.

Hai dự định ở trên trước đây thường bị diễn dịch sai lệch hoặc cho rằng đó là một động thái khiêu khích của Nguyễn Huệ. Tuy nhiên nếu các bạn hiểu được cách nhà Thanh kiểm soát hoặc gây áp lực lên phiên thuộc trong sách lược “ki mi” sẽ biết rằng nhà Thanh từng sử dụng hai biện pháp mềm và cứng đó là: thông hôn hoặc cấm vận kinh tế đối với các nước phiên thuộc. Việc thông hôn từng áp dụng tại các quốc gia như Mông Cổ, Tây Vực, còn cấm vận là áp dụng với Miến sau 4 lần thua trận.

Trong cuối thế kỷ 18, GNP của Trung Hoa gần như đứng đầu thế giới (theo Fernand Braudel), đây là một đất nước rộng lớn với hàng hóa phong phú giàu có, thương đoàn nước ngoài qua lại tấp nập và đem lại cho nhà Thanh một nguồn lợi không nhỏ. Nước Anh từng bỏ ra rất nhiều tiền và cả khoa học kỹ thuật trong lần đi sứ để muốn có một mối quan hệ thông thương tốt đẹp với nhà Thanh, nhưng do không am hiểu văn hóa và suy nghĩ của đối phương, cùng sự kiêu ngạo của hai nước nên chuyến công du thất bại và trở thành xung đột.

Ngược lại, từ hai yêu cầu trên của Nguyễn Huệ có thể thấy Nguyễn Huệ nắm khá rõ suy nghĩ của Thanh triều. Việc cầu hôn một công chúa nhà Thanh (dù có cô công chúa nào hay không) chính là phát ra một tín hiệu thiện chí rằng Tây Sơn muốn xích gần lại quan hệ hai nước, để có thể nhân đó đòi hỏi thêm một số lợi ích kinh tế, chẳng hạn như giảm thuế và mở rộng mua bán vùng biên giới. Việc chuyển đi sứ lên 2 năm thay vì 3 năm mở ra cơ hội để mua thêm hàng hóa miễn thuế, cũng như cơ hội để cử thợ qua đó học hỏi thêm kỹ thuật hòng xây dựng lại ngành tiểu thủ công nghiệp trong nước.

Ngoài ra, theo tài liệu mới phát hiện ở châu Quy Hợp, thì bên cạnh việc nối lại tuyến thông thương phía Bắc, Nguyễn Huệ cũng đẩy mạnh việc mở một thương khẩu sang Lào và Bắc Thái qua phía Tây Nghệ An. Một thương cục dưới quyền của Bộ Hộ đã điều hành việc buôn bán các mặt hàng nơi đây, biến Quỳ Hợp thành một cửa ngõ chuyển hàng vào Lào – Bắc Thái – và nước đang bị nhà Thanh cấm vận lúc đó: Miến Điện.

Từ đó, có thể thấy lý do vì sao Nguyễn Huệ lại rất cố chấp với việc dời đô về Nghệ An. Bời vì ngoài lý do về chính trị, quân sự, giao thông giữa hai miền Nam Bắc thì với những dự định này của Nguyễn Huệ, Nghệ An nghiễm nhiên trở thành địa điểm vận chuyển hàng hóa quan trọng từ ba đầu mối chính: Cửa khẩu biên giới phía Bắc và Thăng Long – Hàng hóa ra vào ở cửa khẩu Quy Hợp phía Tây Nghệ An – hàng hóa thu thập từ những toán cướp biển mà Nguyễn Huệ thu phục trú tại khu vực vịnh biên giới Thanh – Việt và đảo Hải Nam. Từ đây hàng hóa sẽ được vận chuyển đi các nơi và có thể mở thêm cảng ở phía Đông Nghệ An, hoặc chuyển hàng xuống các cảng mậu dịch phía Nam, thu hút thương thuyền nước ngoài tới buôn bán.

Đây có thể nói là những dự định rất đúng hướng để phát triển nền kinh tế trong nước. Nhưng đương nhiên dự định vẫn chỉ là dự định, để biến thành hiện thực phải trải qua rất nhiều trắc trở, va vấp và cần có thời gian, nhất là đối với nền tảng rất yếu kém của nước ta. Nhưng có thể nói rằng ở thời điểm đó và cho đến cả sau này, ngoài Nguyễn Huệ chưa ai đưa ra được những sách lược thay đổi kinh tế nào khác khả thi hơn. Và chúng ta đều biết điều đó đã dẫn nước ta đi đến đâu.

“Một trong những lĩnh vực ít người quan tâm của thời đại Quang Trung là những canh cải trên phương diện kinh tế. Chính các đại thần nhà Thanh cũng khâm phục khi thấy những yêu cầu đầu tiên sau khi Nguyễn Huệ được phong làm An Nam quốc vương đều là những đòi hỏi cụ thể, ích quốc lợi dân để giải quyết khó khăn sau nhiều năm binh lửa” – Trích kết luận của Nguyễn Duy Chính.

“Một khía cạnh quan trọng trong cải cách Tây Sơn là sự khai phóng về thương mại và kỹ nghệ. Để khuyến khích thương mại, một hệ thống tiền tệ thống nhất được ban hành… việc khai mỏ được tiến hành, các xưởng đóng tàu, đúc súng, làm giấy và nhà in được xây dựng. Những phát triển đó kèm theo việc bãi hay giảm thuế cho các mặt hàng nội địa và khai thông biên giới buôn bán với Trung Hoa đã khiến một triều đại tuy chỉ có ba mươi năm của Tây Sơn đạt được những tăng trưởng thương mại quan trọng và sự xuất hiện của một cộng đồng thương nhân tiền tư bản.” – Trích Kathirithamby-Wells trong chuyên khảo: “The Age of Transition: The Mid-Eighteenth to the Early Nineteenth Centuries”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem