Quay phim theo chỉ đạo của... Đại “Cathay”

Chủ nhật, ngày 07/04/2013 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đoàn phim chọn bối cảnh khu rừng sồi ven xa lộ Biên Hòa để quay các phân đoạn nhân vật chính Trần Đại (Trần Quang) thanh toán Bốn “lơ xe” (Tâm Phan).
Bình luận 0

Khi Hùng “đầu bò” báo về cho biết, trong cảnh quay này, Trần Đại bị đối thủ đấm đá bầm dập, Đại “Cathay” khá cay cú, lập tức “xuống chỉ” buộc đạo diễn Lê Hoàng Hoa phải “xén” những cảnh bi thương của nhân vật chính, nhằm tránh làm sứt mẻ uy tín, bản lĩnh của hắn trong mắt giang hồ võ lâm!

Năm 1972, đạo diễn Lê Hoàng Hoa được Mỹ Vân Films mời làm đạo diễn bộ phim Điệu ru nước mắt (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh - Vũ Mộng Long). Phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như: Trần Quang, Hùng Cường, Thiên Trang, Ngọc Phu, Cẩm Hồng, Tâm Phan, Minh Long, Trần Hoàng Ngữ, cố vấn võ thuật là võ sư Quỳnh Kỳ.

 img
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (thứ 2 từ trái sang) tại phim trường.

Giang hồ giám sát đoàn phim

Một buổi sáng đẹp trời, khi ông Mỹ Vân cùng ê-kíp đoàn phim đang kính cẩn thắp nhang khấn vái trước cái bàn tròn có đặt sẵn con heo quay và bánh trái để làm “lễ khởi quay” thì bỗng xuất hiện 6 - 7 tên mặt mày bặm trợn, mình xăm trổ vằn vện, chở nhau trên 4 chiếc vespa sprint chạy thẳng đến chỗ đạo diễn Lê Hoàng Hoa đang ngồi cạnh monitor.

Một gã có gương mặt “cô hồn” gạt chống xe bước xuống vỗ ngực: “Chào anh, em là Hùng đầu bò”. Sau đó, gã giang hồ mời đạo diễn Lê Hoàng Hoa dùng cơm trưa tại nhà hàng Thanh Thế. Hùng cho biết hắn được “biệt phái” bám sát đoàn làm phim Điệu ru nước mắt bởi đây là bộ phim mà nhà văn Duyên Anh viết về cuộc đời của trùm du đãng Sài Gòn Lê Văn Đại (tức Đại “Cathay”) - đàn anh của gã. Nhất cử nhất động của đoàn phim sẽ được gã và đám đàn em báo cáo tường tận với “đại ca” để ông trùm giang hồ “duyệt” cảnh nào được quay, đoạn nào cần phải cắt bỏ.

 img
Tài tử Trần Quang trong vai Đại Cathay.

Mấy hôm sau, đoàn phim chọn bối cảnh khu rừng sồi ven xa lộ Biên Hòa để quay các phân đoạn nhân vật chính Trần Đại (Trần Quang) thanh toán Bốn “lơ xe” (Tâm Phan). Khi Hùng “đầu bò” báo về cho biết, trong cảnh quay này, Trần Đại bị đối thủ đấm đá bầm giập, Đại “Cathay” khá cay cú, lập tức “xuống chỉ” buộc đạo diễn Lê Hoàng Hoa phải “xén” những cảnh bi thương của nhân vật chính, nhằm tránh làm sứt mẻ uy tín, bản lĩnh của hắn trong mắt giang hồ võ lâm!

Suốt hơn 3 tháng trời, lẩn khuất đâu đó trên trường quay Điệu ru nước mắt là những gương mặt dữ dằn bám sát đoàn phim hết ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên, bọn chúng chỉ âm thầm theo dõi các cảnh quay từ xa, không hề ra mặt can thiệp về chuyên môn. Dù vậy, ê-kíp thực hiện gồm đạo diễn Lê Hoàng Hoa, quay phim Châu Tùng, chuyên viên ánh sáng Trương Sĩ Liên cùng các diễn viên, thậm chí cả võ sư Quỳnh Kỳ cũng vã mồ hôi trán khi bất ngờ chạm mặt những vị khách không mời mà đến.

Nỗi ám ảnh Con ma nhà họ Hứa

 img
NSND Bạch Tuyết vào vai Thúy Hồng trong phim Con ma nhà họ Hứa.

Loạt bài viết Con tinh xuất hiện tại thủ đô Sài Gòn (dài 11 kỳ) đăng trên nhật báo Tiếng dội miền Nam (chủ bút Trần Tấn Quốc) vào đầu tháng 1.1963 miêu tả những câu chuyện rùng rợn, kỳ quái về người con gái mắc bệnh phong bị nhốt trong ngôi biệt thự của ông trùm địa ốc Hoa kiều Hứa Bổn Hòa (thường gọi là “chú Hỏa”) đã gây xôn xao dư luận. Rồi sau đó là “đám ma giả của cô gái cùi” lan truyền khắp Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nhận thấy đề tài này cực kỳ hấp dẫn, nếu ra rạp chắc chắn sẽ hốt bạc, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và soạn giả Nguyễn Thành Châu bèn tìm nhà sản xuất thực hiện bộ phim kinh dị này. Trong bối cảnh hầu hết các gánh cải lương đang lâm cảnh èo uột, vừa nghe đạo diễn Lê Hoàng Hoa gợi ý làm phim kinh dị, ông bầu Xuân lập tức đồng ý.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của Lan và Điệp, để chắc ăn, ông bầu Xuân tung ra vở cải lương kinh dị Hồn ma trinh nữ với nghệ sĩ Thanh Nga thủ vai chính Thúy Hồng. Lập tức vở “cháy vé” suốt một tháng trời tại rạp Cao Đồng Hưng và Hưng Đạo. Do đó, khi phim Con ma nhà họ Hứa công chiếu, khán giả đổ xô đi xem.

 img
Đại Cathay tại Sài Gòn.

Họ muốn qua phim thẩm định tài năng diễn… vai ma của Thúy Hồng (Thanh Nga) trên sân khấu cải lương và Thúy Hồng (Bạch Tuyết) trên màn bạc, coi “kép mùi” Dũng Thanh Lâm lần đầu đóng phim ra sao… So với Lan và Điệp thì Con ma nhà họ Hứa không phải cải lương được điện ảnh hóa, mà ngược lại, điện ảnh đã bị… cải lương hóa.

Lúc đầu, kịch bản của Nguyễn Thành Châu lấy tên là Con ma nhà chú Hỏa. Tuy nhiên, gia đình ông Hứa Bổn Hòa đòi đâm đơn kiện Dạ Lý Hương Films vì đã “xúc phạm tên tuổi”, do đó tựa phim đổi thành Con ma nhà họ Hứa. Bối cảnh phim chỉ quay tại 2 địa điểm: biệt thự của chú Hỏa tại Q.1 và khu nhà mồ chú Hỏa giữa cánh đồng ven xa lộ Biên Hòa.

“Một tối nọ, tôi cùng đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại ngôi biệt thự cổ. Khoảng hơn 9 giờ, tôi tranh thủ nằm chợp mắt tại căn phòng ở tầng hai “nhà chú Hỏa”, nơi dùng làm bối cảnh chính của bộ phim. Đang lim dim mơ màng, bất chợt cảm giác như có ai đó lay mạnh vai tôi, dường như không muốn cho tôi nằm ở đây. Nghe có vẻ liêu trai nhưng đó là sự thật!”.

- NSND Bạch Tuyết (vai Thúy Hồng - cô gái mắc bệnh phong cùi) trầm ngâm hồi tưởng

Ngày đầu bấm máy (quay phim Nguyễn Văn Để, tức Diên An) tại Thủ Đức, nhiều anh em trong đoàn làm phim liên tiếp gặp sự cố như: máy phát điện bị hỏng, thư ký trường quay giẫm phải dây kẽm gai, nhân viên hóa trang bị lấy cắp đồng hồ, 2 cây đèn 110V không cắm điện bỗng dưng bốc cháy, tài xế chở diễn viên ngủ trên xe bị “ma đè”…

Linh tính có “điềm gở”, đích thân ông bầu Xuân chở con heo quay to đùng, hai mâm trái cây, nhang, gạo… tới điểm quay. Đợi đến nửa đêm, ông chủ hãng phim ra đứng giữa đồng thắp hương khấn xin “người khuất mặt”… thông cảm, tạo thuận lợi cho đoàn làm phim. Thật kỳ lạ, sau khi nhang tàn, nến tắt, những sự cố liên tiếp xảy ra trước đó tự nhiên chấm dứt, máy quay chạy ro ro, đèn pha sáng trưng… Ông bầu Xuân rùng mình.

Ông Bùi Nhật Quang (81 tuổi) - Phó đạo diễn phim Con ma nhà họ Hứa - kể lại: “Bởi đây là phim ma, do đó quay cảnh đêm nhiều. Sợ nhất là những cảnh quay đêm ở khu nhà mồ của chú Hỏa tại xa lộ Biên Hòa. Khu nhà thờ chú Hỏa nằm giữa nghĩa trang dày đặc hàng trăm ngôi mộ, âm u lạnh lẽo, không nhang khói.

Cạnh khu nhà thờ là cái giếng hoang bên cạnh một cây da xà dây leo chằng chịt. Người dân quanh vùng cho biết, vào những đêm trăng sáng, họ nghe tiếng múc nước xối như có ai đang tắm mặc dù xung quanh toàn mồ mả, không một bóng người, rồi tiếng than khóc tỉ tê phát ra từ trên cây da xà…

Rất nhiều cảnh quay khiến anh em đoàn làm phim vã mồ hôi hột như cảnh xác chết bật dậy từ trong cỗ áo quan, con trăn ngoác mồm đỏ lừ trườn từ hòm ra, cảnh đoàn người đốt đuốc đưa linh cữu đi trong đêm mưa vào nghĩa trang Biên Hòa u tịch…

Theo Dòng Đời 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem