Quê hương “5 tấn” đổi mới

Chủ nhật, ngày 01/05/2011 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thái Bình - quê hương của những chị Hai “Năm tấn”, của những phong trào “Ba sẵn sàng, ba đảm đang” ngày nào, đang bước vào một phong trào mới: Xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Một “Diện mạo mới, sức sống mới” là điều mà người dân Thái Bình mong muốn có được đối với phong trào này. Về Thái Bình vào những ngày giữa tháng 4, dấu hiệu dễ nhận biết là phong trào xây dựng NTM đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân chứ không chỉ còn là chuyện “nghị quyết trên giấy tờ”.

img
Trường mầm non ở xã Thanh Tân được xây dựng nhờ kinh phí phát huy nội lực địa phương và người dân.

Đổi thay ban đầu

Dẫn chúng tôi đi thăm “bộ mặt” của xã, ông Bùi Mạnh Hà- Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) hào hứng: “Khi tỉnh chọn Thanh Tân làm xã điểm, chúng tôi đã xác định phải triển khai bài bản, đúng quy trình, sát và đúng thực tiễn, hợp với lòng dân. Đặc biệt, phải thông được tư tưởng, theo đúng tinh thần: Dân biết, dân làm”.

Trường Mầm non xã Thanh Tân ở gần trung tâm xã, 2 tầng khang trang và rộng rãi, nhất là sân chơi với đầy đủ thiết bị dạy, học, đồ chơi... đủ sức cho hàng trăm trẻ học và chơi. Ở khắp nơi trong xã, từ đường làng, ngõ xóm đều xuất hiện những khẩu hiểu như: “Toàn dân tham gia xây dựng NTM”, “Diện mạo mới, sức sống mới trong xây dựng NTM”…

Trên các cánh đồng, từng ô, thửa ruộng cũng đã được quy hoạch theo hướng dồn điền, đổi thửa rất rộng, có thể phục vụ sản xuất hàng hoá, các con đường xung quanh cánh đồng cũng đã được bê tông hoá hoặc trải nhựa đủ rộng để các loại xe cơ giới có thể ra vào.

Lão nông Trần Quang Tẫn ở thôn An Cơ Đông cho hay: “Ý thức được việc xây dựng NTM là phải đẹp từ trong nhà, ra ngoài ngõ, nên khi xã thông báo làm NTM, tôi cũng đã chủ động cải tạo vườn tược, ao cá, khu vệ sinh cho phù hợp với cảnh quan chung”.

Trăn trở với cái mới

Ở Thanh Tân đang có phong trào các hộ tự quản đường làng, ngõ xóm. Ông Bùi Mạnh Hà chia sẻ: “Một trong những tiêu chí của NTM là phải có môi trường xanh, sạch. Vì thế, chúng tôi đã phát động phong trào mỗi con đường trồng một loại cây như đường trồng cau, đường trồng cây tán thấp. Trong các buổi họp dân, chúng tôi nói nếu ai vứt rác bừa bãi ra đường, người đó không phải là dân Thanh Tân”.

Tại xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư), phong trào làm NTM cũng rất sôi động. Trước UBND xã đặt tấm bản quy hoạch về NTM to, người dân có thể dễ dàng đọc và xem được 19 tiêu chí cũng như việc quy hoạch các khu sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu dãn dân, trung tâm hành chính xã, khu văn hoá- thể thao...

Ông Hoàng Văn Khải - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi đang tập trung vào nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân”.

Người dân Nguyên Xá rất hào hứng đóng góp các nguồn lực để làm NTM theo tinh thần ai có công thì góp công, người có đất thì hiến đất. Mỗi người dân đã tự nguyện góp 30.000 đồng và 1 ngày công, cùng 18m2 đất/sào để mở đường, cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Xã cũng huy động được hơn 10 tỷ đồng từ tiền bán đất dãn dân để làm đường, xây trường học.

Khoan thư sức dân

Sở dĩ Thái Bình phát động được phong trào xây dựng NTM rộng khắp và được sự hưởng ứng của nhiều người dân bởi chính quyền cơ sở ở đây đã biết huy động nguồn nội lực không nhỏ từ chính nhân dân, trong đó có việc kêu gọi “đầu tư” từ con, em đang sinh sống hoặc làm ăn ở nơi khác đóng góp xây dựng quê hương.

Thái Bình hiện có 267 xã, mục tiêu đến năm 2020 các xã đạt được 15/19 tiêu chí về NTM. Trong đó, đến năm 2015 có 67 xã đạt được 19 tiêu chí, còn ngắn hạn là đến năm 2013 có 8 xã điểm đạt NTM. Để làm được điều này, Thái Bình đang cần phải huy động nguồn lực rất lớn, trước mắt là 4.000 tỷ đồng cho 67 xã.

Điển hình như ở Thanh Tân, chỉ trong vòng 2 năm đã huy động con em đóng góp cho quê hương được trên 600 triệu đồng. Tại phòng truyền thống của xã có phần vinh danh những người con của Thanh Tân đã thành đạt trên mọi miền đất nước.

Nhờ sự đóng góp ấy, Thanh Tân đã làm được hệ thống điện và đường hiện đại, 80% số hộ có nhà vệ sinh tự hoại. Về văn hoá, bà con cũng đang khôi phục lại chiếu chèo cũng như các trò chơi dân gian…

Nói về phong trào xây dựng NTM ở Thái Bình, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: “Khi bắt tay làm NTM, chúng tôi đã phổ biến rõ cho cả cán bộ và người dân là đây không phải là sự đầu tư của cấp trên cho cấp dưới, để các xã thi nhau “vẽ” đề án về NTM, mà đây là cuộc cách mạng mới của người dân làm cho chính mình. Chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động để tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết trong đông đảo hội viên, ND đối với phong trào này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem