"Ru mẹ" không phải là hành động tôn vinh phụ nữ nhân ngày 8.3 mà là nỗi đau làm rơi lệ khi đọc bản tin em Thảo Vân 10 tuổi ở Thạch Hà, Hà Tĩnh phải cùng cha đảm đang vai trò "làm mẹ" khi 8 năm nay gia đình lâm vào thảm cảnh do mẹ bị tai nạn giao thông, cha phải nuôi 5 miệng ăn gồm bản thân mình, mẹ già, một ông chú bị "đao", người vợ ốm và đứa con gái duy nhất là Thảo Vân.
Đó cũng là hoàn cảnh của cháu Hoàng Thị Mũ bên bờ sông Gâm, mới 9 tuổi đã phải “làm mẹ” nuôi 2 em mà đứa nhỏ nhất mới được 18 tháng. Chắc trong nước ta không chỉ 2 em Mũ và Vân buộc phải “làm mẹ” ở tuổi lên 10!
Người mẹ Việt vốn nổi tiếng cần cù và chịu thương chịu khó. Ngay thế kỷ 21 này, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy phụ nữ làm mọi việc nặng. Ở thành phố thì quét đường, móc cống, chở hàng bằng xe máy, xe ba gác phăng phăng hay nặng hơn, bốc vác trên các bến cảng.
Tại Sài Gòn, qua quan sát tôi thấy, trừ mấy bà "kiều hối", rất ít chị em được ngồi nhàn tản uống trà hay nhậu nhẹt trong khi nhiều vị cánh mày râu sức dài vai rộng rung đùi đánh bài bên ly cà phê suốt cả buổi sáng!
Nông thôn thì khỏi nói. Việc đồng chưa hết đã đến việc nhà, có mấy bà mẹ được ngẩng đầu lên để hưởng vài phút nghỉ ngơi, thư giãn?
Phụ nữ Âu Mỹ đến nước ta thường nói: "Sao người phụ nữ VN vất vả và khổ vậy?". Họ đã thoát được việc nặng, được sung sướng để làm chức năng người mẹ mấy thế kỷ nay rồi.
Vậy mà chính những "bà mẹ nhà quê" ấy đã và đang là cái gốc của dân tộc. Mẹ sinh con đẻ cái, "múc bụng" mình ra nuôi chúng nên người, đưa con trai cho mặt trận chống giặc, chắt lót từng xu gửi ra thành phố nuôi chúng ăn học để mai mốt phụng sự quốc gia. Gặp tai ương, bất kể thiên tai hay địch họa, tài xoay xở, chắt lót của các mẹ đã giúp gia đình ra khỏi khó khăn.
Tuy không tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ được nỗi đau nhưng tôi ứa nước mắt khi đọc bản tin của các nhà báo về các em bất đắc dĩ phải "làm mẹ" ở tuổi lên 10 như Mũ và Thảo Vân cùng nhiều em khác. Các em chính là hình ảnh nguồn gốc của các bà mẹ nhà quê mà chúng ta và cả dân tộc đau khổ này đã gặp, đã chịu ơn trong suốt quá trình lịch sử.
Quê mẹ bao giờ cũng sẵn có "bà mẹ nhà quê" ăn ít làm nhiều, chịu thương chịu khó, chưa hề biết làm đẹp hay hưởng thụ. Đó là niềm tự hào trong lòng những đứa con nhưng cũng là nỗi buồn mà chỉ đến ngày đất nước trở thành giàu mạnh, dân chủ, văn minh mới cất khỏi trái tim mọi người được.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.