ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đánh giá nguyên nhân là do việc quản lý thiếu chặt chẽ của các ngành chức năng đối với các loại phim ảnh bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy. Các hoạt động ở quán karaoke, nhà hàng, khách sạn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đối tượng này.
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập một thực trạng khác mà ông cho là không kém gì một loại tội phạm. Đó là tình hình tai nạn giao thông phức tạp khiến hơn 11.000 người chết trong năm 2011. “Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng, nhưng xem báo cáo của Chính phủ thì thấy các giải pháp đưa ra chưa có gì đột phá thì không biết chúng ta sẽ khắc phục tình trạng này thế nào” - ông Thường nói.
Về công tác xét xử và thi hành án, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác thi hành án dân sự là do việc xử lý, khắc phục những bất cập và thiếu thống nhất giữa pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan chưa được tiến hành kịp thời, tiến độ xây dựng ban hành văn bản thi hành án dân sự còn chậm so với yêu cầu. Có một số văn bản triển khai xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Về cơ chế, biện pháp để bảo vệ người tố giác, bảo vệ người thi hành công vụ, theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), pháp luật chưa điều chỉnh tốt. “Bây giờ mà tố giác thì bọn nó xử người đó ngay như ở TP.HCM hay một số nơi. Rõ ràng bây giờ ngay bản thân công an xã, phường cũng sợ thì làm sao tấn công tội phạm. Thậm chí một số nơi có hiện tượng “sống chung” với tội phạm. Tôi nghĩ phải có cơ chế, biện pháp cứng rắn để bảo vệ người tố giác”.
Với tội phạm tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Vì sao tham nhũng của chúng ta nhiều mà chúng ta phát hiện được ít như vậy? Do cơ chế, do chính sách hay do trình độ yếu kém không phát hiện được? “Tôi đề nghị phải sửa Luật Phòng, chống tham nhũng. Phải thành lập Ủy ban điều tra tham nhũng, độc lập với cơ quan điều tra” - ĐB Thuyền đề xuất.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.