Quốc lộ 5 tăng phí: Dân lại oằn mình gánh

Vinh Hải Thứ năm, ngày 17/03/2016 07:00 AM (GMT+7)
“Việc tăng phí đường đã có lộ trình từ Bộ Tài chính, Bộ GTVT nhưng điều này sẽ làm giá thành đầu vào tăng, giá cước tăng, sản phẩm hàng hóa tăng ảnh hưởng đến người dân”.
Bình luận 0

img

Ngày 16.3, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) – nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông báo sẽ tăng phí tuyến đường này và đường QL5 kể từ ngày 1.4.

Theo đó, mức phí ở Quốc lộ 5 sẽ dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt (tăng từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ).

Còn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phí tăng trung bình 25% so với mức áp từ đầu tháng 12.2015. Mức phí cao nhất là 840.000 đồng/lượt áp cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 fit cho tuyến từ vành đai 3 đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ). Cũng với tuyến này, phí áp cho ôtô dưới 12 chỗ tăng từ mức 160.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt.

Ông Lê Như Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay: “Chúng tôi đều biết việc tăng phí đã có lộ trình từ Bộ Tài chính, Bộ GTVT nhưng điều này sẽ làm giá thành đầu vào tăng, giá cước tăng, sản phẩm hàng hóa tăng ảnh hưởng đến người dân”.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng chỉ ra việc tăng phí đồng loạt nằm ở chỗ hợp đồng kinh tế đã được ký kết, lộ trình tăng phí đã được cơ quan quản lý phê duyệt.

Ông Liên nói: “Bao giờ họ cũng nói lý do để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thu hút  nhà đầu tư khác tham gia các dự án BOT. Ví dụ như việc 23 trạm thu phí BOT sẽ tăng phí theo lộ trình từ 1.1.2016. Khi người dân kêu quá, doanh nghiệp kêu quá, Bộ GTVT đề nghị lùi thời hạn tăng phí nhưng Bộ Tài chính phản ứng ngay. Bởi Bộ Tài chính nói do Bộ GTVT đồng ý từ khi lập hợp đồng”.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, người dân và doanh nghiệp phải chấp nhận, không thể thay đổi được quyết định của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Liên than thở: “Bộ GTVT nói rằng có hai đường, nếu anh không thích, sợ cao phí thì đi đường cũ. Cách nói như thế là không thể nào thay đổi được thực trạng hiện nay. Người dân phải chịu thôi. Chúng tôi thấy rằng gần như tăng phí là sự áp đặt, người dân và doanh nghiệp phải chịu mức phí cao như vậy”.

Ông Bùi Danh Liên đề nghị Nhà nước nên xem xét mua lại một số trạm ở các tuyến dày trạm thu phí BOT để giảm sức ép cho người dân.

Ông Liên cho hay: “Chúng tôi ủng hộ nâng cấp đầu tư hạ tầng nhưng phải phù hợp với thu nhập quốc dân. Anh đưa ra nhiều trạm BOT quá, người dân ngạt thở về các loại phí. Quan chức hoạch định chính sách này cần đi xe biển trắng mới thấm đòn các loại phí qua các trạm BOT bao vây”.

Ông Tiến cũng chỉ ra bất cập của việc cả hai tuyến đường trên tăng phí đồng loạt: “QL5 cũ là đường đầu tư ngân sách nhà nước, lẽ ra là người dân phải được hưởng nhưng ở đây lại giao cho Vidifi. Chúng tôi đang thắc mắc cùng các tuyến đường ngân sách đầu tư sao không được bình đẳng”.

Tuyến đường QL5 cũ hiện được giao cho Vidifi thu phí để hoàn một phần vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đơn vị này cũng bỏ tiền để nâng cấp mặt đường nhưng thời gian qua, các vệt hằn lún vẫn xuất hiện trên tuyến.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Đường cao tốc là vốn BOT của chủ đầu tư nhưng nhà nước lại cho phép doanh nghiệp thu phí đường QL5 để hỗ trợ hoàn phí. Hiện là lấy của Nhà nước để bù cho tư nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải trên đường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem