Quy định 144 của Bộ Chính trị: Gửi gắm những thông điệp quan trọng (Bài 2)
Quy định 144 của Bộ Chính trị: Gửi gắm những thông điệp quan trọng (Bài 2)
Vinh Hải - Thanh Xuân - Tất Định
Thứ ba, ngày 28/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
"Quy định 144 đã chính thức đưa vào một câu về 'văn hóa từ chức'. Điều này bắt buộc những cán bộ đảng viên đã vi phạm, trót nhúng chàm, không xứng đáng với chức trách nhiệm vụ được giao phải rời khỏi vị trí của mình", PGS.TS Trần Viết Lưu đánh giá.
Theo PGS.TS Trần Viết Lưu, văn kiện trên không đơn thuần cập nhật quan điểm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị mà còn là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
"Chắc chắn quy định 144 của Bộ Chính trị sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng Đảng bởi nó có tính kế thừa, các quy định trước đây của Bộ Chính trị, quan điểm của Đảng ta trong 94 năm qua. Đây là quy định chuẩn mực nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái, xuống cấp về đạo đức lối sống của một bộ phận nhỏ đảng viên hiện nay, Quy định sẽ giúp tổ chức sinh hoạt chính trị, chuyên sâu về tư tưởng cán bộ đảng viên", PGS.TS Trần Viết Lưu phân tích.
Theo PGS.TS Trần Viết Lưu, đây là cơ hội để các tổ chức cơ sở đảng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình đối với việc giáo dục, rèn luyện tư cách cách mạng người Đảng viên.
Mỗi đảng viên cũng phải đối chiếu, tự soi tự sửa, đối chiếu với quá trình thực hiện nhiệm vụ được cấp trên, tổ chức giao phó, với những thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong việc phụng sự nhân dân đã đúng chưa, cái gì chưa đúng cần tự sửa. Đồng thời giúp cho đồng chí của mình soi sửa, làm cho tổ chức, cơ sở Đảng của mình trong sạch, vững mạnh.
PGS.TS Trần Viết Lưu nhận định, Quy định 144 đã gửi thông điệp đến các Đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng: Nếu như ai không còn sự trong sáng cách mạng, không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong đó, Điều 3 của Quy định 144 là nòng cốt, các tổ chức cơ sở đảng phải căn cứ vào đấy để đưa ra hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ từng cấp.
Quy định 144 cũng đã cụ thể hóa thuật ngữ "văn hóa từ chức", cụm từ được nhắc đến trong thời gian gần đây. Cụ thể, mục 5 Điều 3 Quy định 144 nêu "Thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín".
"Quy định 144 đã chính thức đưa vào một câu về 'văn hóa từ chức'. Điều này bắt buộc những cán bộ đảng viên đã vi phạm, trót nhúng chàm, không xứng đáng với chức trách nhiệm vụ được giao phải rời khỏi vị trí của mình".
PGS Lưu nhìn nhận và đánh giá thêm: Đương nhiên sự thoái hóa, biến chất, tha hóa quyền lực bao giờ cũng cố thủ ở trong một số người, họ sẽ tìm cách giấu giếm, bao che. Điều này đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý của tổ chức cơ sở Đảng phải được nâng cao hơn nữa", PGS.TS Trần Viết Lưu phân tích.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII cho rằng việc Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới là hết sức cần thiết.
"Quy định 144 rất cụ thể, rõ ràng và hoàn thiện hơn so với các quy định của Đảng trước đây. Đây cũng là cơ sở để các cấp đảng theo dõi, đánh giá, xử lý các đảng viên vi phạm", ông Lê Văn Cuông trả lời Dân Việt.
Theo đánh giá của ông Cuông, Quy định 144 có nhiều điểm mới và cụ thể hơn quy định trước đây. Từ thực tiễn cuộc sống, Đảng ta đã phát hiện ra những vấn đề còn sơ hở chưa chặt chẽ trong các quy định hiện hành để hoàn thiện hơn.
Việc ban hành Quy định 144 sẽ giúp tổ chức cơ sở đảng quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được chặt chẽ hơn và phòng ngừa, tránh những vi phạm xảy ra trong giai đoạn tiếp theo.
"Tôi nghĩ gốc rễ của vấn đề vẫn là nâng cao đạo đức cách mạng, khi người cán bộ, đảng viên có đạo đức và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện trở thành người cán bộ đảng viên gương mẫu thì chắc chắn sẽ không vi phạm các quy định của Đảng, quy định của pháp luật", ông Cuông nói.
Trong Quy định 144, ông Cuông nhận thấy nội dung Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời tại Điều 5 là quan trọng nhất. Theo vị nguyên Đại biểu Quốc hội, cán bộ đảng viên, lãnh đạo không nêu gương, cậy quyền, cậy thế vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chắc chắn không đủ uy tín để cấp dưới và quần chúng nhân dân noi theo.
Điều 5 cũng có quy định mới "Tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước".
Quy định về nêu gương càng cụ thể, càng chặt chẽ sẽ càng tốt hơn cho công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Việc đề ra được nội dung rồi cần có tiêu chí cụ thể và thiết chế để đánh giá nhận xét. Đã nêu gương là phải có quy định để đánh giá chứ không thể chung chung.
Ông Lê Văn Cuông dẫn chứng, trong quá trình xem xét kỷ luật cán bộ đảng viên, điều tra các vụ án trọng điểm vừa qua, đã xuất hiện nhiều đảng viên vi phạm có vai trò giúp sức của người thân.
Trên nghị trường, ông Cuông từng nêu quan điểm, đã là cán bộ lãnh đạo mà nói không biết, không nắm được việc người thân mượn danh mình làm việc sai trái, cậy quyền, cậy thế vì lợi ích cá nhân là rất vô lý. Ngay cả gia đình mình không quản lý được làm sao quản lý được xã hội!
"Có tình trạng lãnh đạo, đảng viên tạo điều kiện cho người thân làm "sân sau", bất chấp quy định của pháp luật để đem lại lợi ích cho cá nhân. Từ các vụ án vừa qua với hàng loạt cán bộ, đảng viên bị xử lý cả về mặt Đảng và Chính quyền, Đảng ta đã rút ra được những quy định chặt chẽ hơn trong tình hình mới và kịp thời bổ sung. Đây là nội dung rất cần thiết", ông Cuông rút ra nhận định.
Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo ông Cuông, việc công khai minh bạch, nêu gương người đứng đầu được coi là liều thuốc phòng ngừa và điều trị "bệnh tham nhũng" hiệu quả nhất.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng: "Đến nay, Trung ương Đảng đã quy định cụ thể trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu. Nhờ quy định này, nước ta bước đầu có "văn hóa từ chức", kể cả những vị trí cấp cao trước đây không thực hiện được".
Ông Nguyễn Đình Khuyến – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: "Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội được Trung ương tin tưởng và giao thực hiện những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, thậm chí chưa có tiền lệ, việc vận dụng Quy định số 144-QĐ/TƯ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Các quy định về chuẩn mực, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên không chỉ góp phần khuyến khích, động viên mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách mà còn sẵn sàng đảm nhận những việc mới, việc khó của địa phương, đơn vị. Trong đó, nhấn mạnh, động viên cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo… vì lợi ích chung, vì nước, vì dân".
"Trong Quy định 144 của Bộ Chính trị mới ban hành, nhiều nhà nghiên cứu cũng đánh giá cao vấn đề "đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" được nêu tại Điều 4.
Theo đó, người Đảng viên luôn phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong tổ chức và nhân dân, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện chia rẽ, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm. Nhưng đồng thời, giữa những người đồng chí, giữa Đảng viên với các tầng lớp quần chúng nhân dân, ... cần phải nêu cao "tình thương" để chia sẻ, giúp đỡ nhau, chỉ ra những mặt được, chưa được, những tồn tại, hạn chế để cùng nhau khắc phục.
"Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ", nội dung này trong Điều 4 Quy định 144 nhắc nhở mỗi đảng viên, tổ chức đảng bằng tình thương và trách nhiệm sẽ cùng nhau tự soi, tự sửa, hoàn thiện bản thân, gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.