Quy định 144 của Bộ Chính trị: Kỳ vọng tạo ra chuyển biến sâu rộng trong xã hội (Bài 3)

Tất Định - Thanh Xuân Thứ tư, ngày 29/05/2024 08:20 AM (GMT+7)
Người dân, đảng viên, cán bộ lão thành đánh giá cao Quy định 144 của Bộ Chính trị và kỳ vọng Quy định sớm được quán triệt, triển khai sâu rộng, thể hiện yêu cầu ngày một cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với việc xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận 0

Vạch rõ giới hạn, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Sau khi nghiên cứu kỹ Quy định 144 của Bộ Chính trị, TS. Phan Thanh Hà, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam nhìn nhận "chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" là một văn kiện quan trọng và được tin tưởng rằng sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng Đảng bởi "không chỉ có tính kế thừa các quy định trước đây của Đảng mà còn có nhiều điểm mới, đầy tính thời sự, mang hơi thở của thời đại".

Bà Hà phân tích, Quy định 144 khá ngắn gọn, nhưng rất hàm súc, rõ ràng với 5 điều quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên và 1 điều về tổ chức thi hành. 

Trong 5 điều này, 2 điều có những nội dung mới, có thể xem là quan trọng nhất và chứa đựng những thông điệp cốt lõi nhất của Quy định 144, thể hiện tại Điều 2 về các phẩm chất "bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập", và khoản 5 Điều 3: "Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín". 

"Đây là điểm rất mới trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, truyền tải những thông điệp quan trọng và cốt lõi nhất của Quy định 144 đến các Đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng", TS Phan Thanh Hà nhận định.

Quy định 144 của Bộ Chính trị: Kỳ vọng tạo ra chuyển biến sâu rộng trong xã hội (Bài 3)- Ảnh 2.

TS. Phan Thanh Hà, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trước hết, Quy định 144 đã mở rộng hơn tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh yếu tố "bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập" là những tố chất thể hiện năng lực, trí tuệ, chuyên môn trong công việc. Đây là một bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về yêu cầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đó là phải bảo đảm phát huy đồng đều hai yếu tố "hồng" và "chuyên".

Điểm mới có tính bước ngoặt tiếp theo, đó là hai nội dung "không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi" và "Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín", thể hiện bước nhảy vọt trong tư duy và quan điểm của Đảng về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, thể hiện yêu cầu ngày một cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với việc xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. 

Các quy định này đã làm rõ hơn nội hàm của những phẩm chất của người cán bộ, đảng viên "cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư", không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn phải vạch rõ giới hạn, ngăn chặn những tư lợi, thu vén cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người cán bộ, đảng viên để trục lợi. 

Quy định 144 của Bộ Chính trị: Kỳ vọng tạo ra chuyển biến sâu rộng trong xã hội (Bài 3)- Ảnh 3.

Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII. Ảnh: TTXVN

"Quan trọng hơn, lần đầu tiên trong một văn kiện về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, "văn hóa từ chức" đã được chính thức chỉ rõ, cụ thể hóa vấn đề này. Điều này bắt buộc những cán bộ đảng viên đã vi phạm "trót nhúng chàm, không xứng đáng với chức trách nhiệm vụ được giao phải rời khỏi vị trí của mình". 

Đây là cơ sở vững chắc để xem xét những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, cũng thể hiện thái độ kiên quyết không khoan nhượng với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Chính là một bước phát triển cao nhất trong tư duy, nhận thức về trách nhiệm chính trị của người cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay", TS Hà phân tích.

Việc triển khai thực hiện quy định này sẽ là đợt học tập sâu rộng và bổ ích đối với các tổ chức Đảng, Đảng viên do những nội dung mới có tính bước ngoặt quan trọng của Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức, cách mạng của cán bộ, đảng viên, trong thời kỳ mới. 

"Tôi kỳ vọng việc triển khai Quy định này sẽ góp phần tạo ra những 3 kết quả quan trọng: Thay đổi, nâng cao nhận thức, đạo đức và văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên trong thực thi vai trò của mình, thúc đẩy văn hóa từ chức và thực hiện trách nhiệm chính trị vốn còn nhiều hạn chế ở Việt Nam hiện nay. Thứ hai, Góp phần xây dựng, đào tạo, rèn luyện những cán bộ, Đảng viên có đầy đủ năng lực, phẩm chất cả tài lẫn đức, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân, Đảng và Nhà nước, góp phần cống hiến, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiên tiến, hiện đại.

Đặc biệt, quy định sẽ tạo ra những biến chuyển sâu rộng trong xã hội, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay", TS. Hà nói. 

Đảng viên cần sâu sát, gắn bó mật thiết hơn với quần chúng nhân dân

Ông Hoàng Đình Tiến (65 năm tuổi Đảng) từng giữ vị trí Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ (từ năm 1983-1989), nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Ông Tiến đánh giá Quy định 144 ban hành thời điểm này là rất kịp thời, cần thiết. 

Ông Tiến nhớ lại quãng thời gian ông làm cán bộ, các đảng viên sau giờ làm việc thường quan tâm, hỏi han tới cuộc sống của quần chúng, nhân dân. Gia đình nào trong làng, trong xã có việc gì cần hỗ trợ là cán bộ cũng có mặt hỏi thăm và hỗ trợ, giúp đỡ trong khả năng của mình. Do đó, quần chúng, nhân dân luôn gần gũi, tin tưởng và chia sẻ tâm tư nguyện vọng với cán bộ, đảng viên. 

Tuy nhiên theo ông Tiến, có một số cán bộ cơ sở sau này không gần gũi với nhân dân như trước, hết giờ làm việc ở công sở là về nhà, ít nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chính vì vậy, có những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở địa phương chưa được giải quyết triệt để, kéo dài thời gian xử lý, lên nhiều cấp.

Quy định 144 của Bộ Chính trị: Kỳ vọng tạo ra chuyển biến sâu rộng trong xã hội (Bài 3)- Ảnh 5.

Ông Hoàng Đình Tiến (65 năm tuổi Đảng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh Thanh Xuân

"Chính vì vậy, ngay mở đầu Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức các mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, ở Điều 1 đã nêu "tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân"… Tôi rất tâm đắc vấn đề này. Bởi nếu cán bộ, Đảng viên không gần gũi và gắn bó thì khó có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để quan tâm, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân", ông Tiến nói. 

Còn ông Nguyễn Tiến Vỵ, 90 tuổi, ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội quan tâm đến Điều 4 trong Quy định số 144-QĐ/TƯ liên quan đến vấn đề đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội): "Quy định số 144 là một trong những văn kiện thể hiện tầm tư duy mới, đánh dấu bước phát triển cao trong nhận thức và hành động của Đảng. Thông điệp chung của quy định số 144 đã chuyển tải tới các tổ chức Đảng, Đảng viên đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Bên cạnh đó, quy định nâng cao giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ Đảng viên trong giai đoạn hiện nay; Xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm trong công việc; Không xa hoa, lãng phí, tuân thủ pháp luật, không vụ lợi cá nhân; không vì người thân, người nhà để trục lợi cá nhân; coi tập thể và quyền lợi của nhân dân là trên hết, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; ...

Tôi kỳ vọng việc triển khai Quy định 144, đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng như hiện nay, sẽ giúp xây dựng được đội ngũ cán bộ Đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn tốt, có trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường việc giám sát của cơ quan và tổ chức chính trị đối với cán bộ Đảng viên trong việc thực hiện Quy định 144”.

Minh Đức (ghi)

"Mỗi cán bộ, đảng viên ngoài việc học tập, soi chiếu Quy định 144 để tự răn mình, sửa mình còn cần phải giúp đỡ đồng chí trong tổ chức, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm...", ông Vỵ nói. 

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Oanh – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn nhận thấy thấy quan trọng hơn cả là đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Quy định về kỷ luật, kỷ cương đoàn kết trong một cơ quan rất quan trọng, nhất là ở cương vị, vai trò quản lý nhà nước để thực hiện quản lý cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Bà Oanh cho rằng, Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là rất cần thiết đối với cán bộ, đảng viên. Quy định có nhiều điểm mới đã thay đổi, bổ sung hơn so với trước các quy định trước đây cho các bộ, đảng viên thực hiện.

"Tôi thấy trong những điều của Quy định 144, nội dung nào cũng quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, đảng viên. Chúng tôi ở xã vùng cao, biên giới nên Điều 1 về yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc cũng được lưu ý quan trọng. 

Là cán bộ, đảng viên vừa Bí thư vừa là Chủ tịch xã nên tôi cho rằng “tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...”, là những quy định rất cần thiết và thường xuyên được thực hiện. Ở xã vùng cao, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc nên chúng tôi luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân để năm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân", bà Oanh cho hay.

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem