Quy định “cấm” quay phim, chụp ảnh của Hà Nội sẽ bị "tuýt còi"?

Bách Thuận Thứ năm, ngày 10/01/2019 16:16 PM (GMT+7)
Bộ Tư Pháp, Thanh tra Chính Phủ, UBND TP.Hà Nội cùng các đơn vị liên quan dự kiến sẽ có buổi làm việc về quyết định “cấm” người dân quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp dân khi chưa được cho phép.
Bình luận 0

Liên quan đến Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội quy định nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của thành phố, đáng chú ý có nội dung “cấm” công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp dân khi chưa được sự đồng ý của người liên quan, các cơ quan quản lý đã vào cuộc xem xét vấn đề.

Cụ thể, thông tin từ ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp, ngày 11.1, đơn vị này sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện Thanh tra Chính phủ, UBND TP.Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét về tính pháp lý của Quyết định số 12/QĐ-UBND.

Trước đó, ngay sau khi quyết định 12 của UBND TP.Hà Nội được ban hành đã ngay lập tức tạo ra nhiều dòng dư luận trái chiều.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), quy định trên sẽ gây nhiều tranh cãi về mặt kĩ thuật lập pháp, kĩ thuật xây dựng văn bản… Bởi Hiến pháp 2013 đã quy định tương đối đầy đủ các quyền tự do cơ bản của công dân, theo đó: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

img

Theo quy định của UBND TP.Hà Nội, tại trụ sở tiếp công dân của thành phố, công dân sẽ không được quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân nếu không được sự cho phép của những người liên quan.

Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25); Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân (Điều 28)...

Theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”.

“Như vậy, những Quyền cơ bản của công dân được quy định tại điều 25, điều 28 và các điều khác tại Chương II, của Hiến pháp 2013 chỉ bị hạn chế khi được đã được quy định cụ thể trong văn bản Luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...

Nếu Luật đã có quy định thì các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư mới được quy định quy định chi tiết những nội dung có tính chất cấm đoán, hạn chế quyền cơ bản đó của công dân…” – luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

img

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, Quyết định quy định nội quy tiếp công dân của UBND TP.Hà Nội sẽ gây tranh cãi, bởi không đúng quy định.

Tiếp theo, việc UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND - Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân căn cứ theo Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Nghị định hướng dẫn thi hành luật Tiếp công dân.

Vị luật sư nêu quan điểm, nội quy quy chế này không được đưa ra những quy định trái với những văn bản pháp luật nêu trên. Những hành vi cấm đoán, hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân phải căn cứ vào các văn bản luật chứ không được quy định bởi những văn bản dưới luật theo nguyên tắc quy định tại khoản 2, điều 14 Hiến pháp 2013.

Trong khi đó, thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho biết, việc UBND TP.Hà Nội ban hành nội quy như vậy hoàn toàn hợp lý. “Riêng việc cấm quay phim, chụp ảnh ở công sở, về mặt nguyên tắc là quyền của Nhà nước.

Những cơ sở an ninh quốc phòng là đã dứt khoát. Việc tiếp công dân ở trong công sở, có trụ sở rõ ràng, có biển tiếp dân, có bàn, có ghế, có cán bộ công quyền tiếp dân, việc cấm quay là phù hợp với chức năng nhiệm vụ” – thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

img

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, trong cơ quan công sở, việc cấm người dân quay phim, chụp ảnh, về nguyên tắc thì được quyền.

Theo tướng Cương, trong công sở thì những việc đó do Nhà nước quy định, quyền hạn của từng đơn vị. Việc cấm quay phim chụp ảnh khi chưa được sự đồng ý của những người liên quan nhằm phòng tránh những thông tin sai lệch, không chính xác bị lan tỏa với mục đích xấu.

“Trong mỗi người tốt thì cũng có những người không tốt, việc cấm vậy là tránh những việc đó” – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, theo thiếu tướng Lê Văn Cương, phải có sự chấp hành, thực hiện nghiêm chỉnh từ cả 2 phía giữa người dân và cơ quan công quyền, mọi tình huống sẽ đều được xử lý, giải quyết hiệu quả, dứt điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem