Quy định không đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân: Nực cười và phi văn hóa

Mai Hương Thứ năm, ngày 23/10/2014 06:45 AM (GMT+7)
“Việc quy định “đặt tên doanh nghiệp sử dụng tên trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc” là rất nực cười và phi lý…”. Đây là ý kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế và luật sư.
Bình luận 0

Cả thế giới “ôm bụng”…

Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (DN) phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có hiệu lực từ 25.11.2014. Theo thông tư này, đặt tên DN trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc, trừ trường hợp người thành lập DN khi đặt tên DN theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập DN.

 

imgKhông thiếu những doanh nghiệp, công ty đặt tên trùng với tên danh nhân tại Việt Nam. Ảnh một Trung tâm điều trị nha khoa trên đường phố Hà Nội.  

 

Trường hợp đặt tên riêng DN bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

Thông tư cũng quy định một số trường hợp khác đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc gồm: Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

“Chưa nói rộng ra nhiều khía cạnh cần phải xem lại của thông tư này thì chỉ việc quy định: “Đặt tên DN sử dụng tên trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc” đã là phi lý và là một tư duy rất không đúng”- luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch Công ty Luật Basico nói.

Ông Đức cho biết, ngay từ khi còn là dự thảo, quy định này đã bị phản ứng, bởi đặt tên trùng tên danh nhân thì có vấn đề gì đâu?! Hiện tên đường, tên phố, tên trường học, bệnh viện đặt tên danh nhân cả thì sao lại cấm DN đặt tên như vậy?! Chưa kể, thông tư của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng không nói rõ là chỉ áp dụng với tên danh nhân người Việt hay cả danh nhân người nước ngoài. “Lẽ ra khi ban hành thông tư này, Bộ này phải đặt kèm theo ra “3 vạn 9 nghìn cái tên danh nhân nào “phạm húy” để người dân ít chữ mà giỏi kinh doanh còn biết mà tránh không đặt”- ông Đức nói. Cũng theo quy định mới này, ông Đức tra ra có thể những cái tên như “Sài Gòn” cũng không được phép dùng để đặt tên cho công ty vì tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa... bị cấm sử dụng. Vậy công ty cổ phần bia Sài Gòn không biết sẽ phải đổi tên thế nào đây?!

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì nói thẳng: Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch nên rút lại quy định này nếu không muốn “cả thế giới cười người Việt Nam”. “Chúng ta còn bao nhiêu việc cần làm để cải thiện thứ bậc môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN thì lại ra một quy định phi lý như vậy là sao?-ông Thành đặt câu hỏi.

Ông Thành khuyến nghị ngành văn hóa hãy vào danh bạ thế giới mà tra tên DN của người ta thì biết ngay bao nhiêu DN trên thế giới được đặt tên theo tên danh nhân, tên những người cao quý, đáng kính mà họ muốn noi theo. “Tôi cho rằng, việc đặt tên DN trùng với tên danh nhân Việt Nam càng tốt bởi thông qua DN chúng ta có thể quảng bá được cho cả thế giới biết được lịch sử danh nhân văn hóa dân tộc của chúng ta hà cớ chi phải cấm”- ông Thành nói.

Không thể quy chụp…

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, Việt Nam với lịch sử 1.000 năm đô hộ, vậy DN không được đặt tên dưới thời kỳ đó thì đặt tên là gì? Sống ở thời kỳ nào thì đặt tên ở thời kỳ ấy mới đúng là lịch sử dân tộc. “Ở góc độ nào đó, việc dùng tên danh nhân để đặt tên cho DN cần được xem là sự trân trọng của DN đối với lịch sử. Chúng ta có thể cấm DN sản xuất kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây hiểu lầm, phản cảm đối với một danh nhân nào đó nhưng không thể quy chụp việc đặt tên DN theo tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử”-ông Thắng nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng phản ứng: Để thực hiện theo đúng thông tư này, chắc Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch sẽ phải ban hành chính thức danh sách danh nhân Việt Nam từ cổ chí kim, và cả những nhân vật phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, giặc ngoại xâm và những kẻ có tội với đất nước, dân tộc. Danh sách này chắc chắn sẽ rất dài và DN sẽ phải hết hơi mà đối chiếu tên mà mình dự kiến đặt để tránh bị... trùng. Và trong lúc các định nghĩa, tiêu chí và từng nhân vật danh nhân còn đang gây tranh cãi để ra được cái danh sách này thì các DN cứ yên tâm mà ngồi đợi được đặt tên. Chưa kể, như thế nào là phản chính nghĩa, là kìm hãm sự tiến bộ, là có tội với đất nước, với dân tộc cũng còn chưa thấy thông tư này nêu ra để DN áp dụng mà đặt tên!?

 Thực tế, các DN hiện không biết tên nào là tên danh nhân và không được dùng, vì không có một danh sách tên danh nhân nào để tham khảo cả. Tiêu chí xác định ai là danh nhân cũng không rõ ràng. Một cán bộ đăng ký kinh doanh cho biết, từng có DN tại Hà Nội muốn đặt tên Nguyễn Công Trứ. Cơ quan đăng ký kinh doanh hỏi Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xem có được dùng tên này hay không. Bộ này trả lời là chưa có cơ sở để khẳng định Nguyễn Công Trứ là danh nhân. Nhưng rồi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cũng tự quyết định không cho DN dùng tên này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem