Bán bia phải đeo găng... vô trùng: Thực khách có quan tâm?

Mai Hương Thứ tư, ngày 30/07/2014 06:50 AM (GMT+7)
"Tôi thấy quy định phải nhúng tay đeo găng vào chậu nước vô trùng nó khiên cưỡng sao vậy. Bởi đã “vô trùng” thì nó phải đặt ở đâu, chứ đặt ngay ở quán bia thì làm sao đảm bảo “vô trùng” được nữa, chưa kể ai đảm bảo nước đó là vô trùng?"...
Bình luận 0

Siết quản lý an toàn thực phẩm trong kinh doanh rượu bia là rất hợp lý, song đối với nhiều quy định tại dự thảo mà Bộ Công Thương đang soạn thảo, “người trong cuộc” cho rằng, chỉ có thể thực hiện được… trên giấy mà thôi.

“Quy định thế thì khó…” 

Điểm “nhấn” rõ nét nhất trong dự thảo này của Bộ Công Thương là quy định: “Người trực tiếp kinh doanh bia phải mặc trang phục riêng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh bia. Đối với cơ sở kinh doanh bia hơi, nhân viên xuất bán bia phải được trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ như: áo, mũ, khẩu trang, găng tay; trước khi xuất bán bia hơi phải nhúng tay đeo găng vào chậu nước vô trùng”…

Theo chị Nguyễn Thị Thu (19 tuổi, nhân viên của nhà hàng bia "Hải Xồm" ở Hà Nội), việc mặc trang phục riêng thì hiện nay đã khá phổ biến bởi các nhà hàng thường yêu cầu nhân viên mặc đồng phục để khách dễ nhận biết và để tạo dấu ấn riêng trong việc kinh doanh.

"Chúng em chỉ ngại cái quy định “không hút thuốc, không khạc nhổ” của dự thảo này mà thôi” - chị Thu nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Toàn (20 tuổi, cũng nhân viên của quán bia này) tiết lộ: “Hầu hết đàn ông con trai chúng em đều hút thuốc ở quán, còn khạc nhổ, nói thật ai chả có lúc khạc nhổ lung tung...".

Thực tế, các quán bia rượu ở Hà Nội hiện nay không thiếu quán chỉ “đẹp mặt tiền” để qua mắt thực khách, còn bên trong nhếch nhác, bẩn thỉu, đặc biệt là khu vực nhà bếp và nơi đựng các bom bia hơi để đong bán cho khách. Do đất đai chật chội, tại nơi chế biến đồ nhậu của nhiều quán bia vẫn gặp cảnh rau dưa, thực phẩm bày la liệt dưới đất; bát đĩa nồi niêu xoong chảo rửa tung tóe xà phòng.

Nhân viên bán bia hơi thường “tay không” đong cho khách, mỗi lần đầy cốc bia thì lấy ngón tay bịt vòi rót bia. Các thực khách cũng chả mấy ai quan tâm, cứ bia tươi, ngon, lạnh là “dzô” uống cho bằng say.

Chị Dung - chủ quán bia hơi “Dung béo” nằm ngay mặt đường Vũ Thạnh cho biết, việc sắm áo, mũ, khẩu trang, găng tay cho nhân viên thì cũng chả khó, có điều những thứ này có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không thì còn phải bàn.

"Tôi thấy quy định phải nhúng tay đeo găng vào chậu nước vô trùng nó khiên cưỡng sao vậy. Bởi đã “vô trùng” thì nó phải đặt ở đâu, chứ đặt ngay ở quán bia thì làm sao đảm bảo “vô trùng” được nữa, chưa kể ai đảm bảo nước đó là vô trùng?" - chị Dung bày tỏ.

Lại đẻ giấy phép con

Một quan chức của Bộ Công Thương thừa nhận: Một chính sách quản lý an toàn thực phẩm hoàn hảo với kinh doanh rượu bia lúc này thật sự là “khó”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam (VBA), vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý dẫn tới tình trạng bia rượu không rõ nguồn gốc vẫn được tuồn ra thị trường hàng ngày mà không thể kiểm soát được chất lượng.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất rượu uy tín ở Hà Nội thì cho hay, thực trạng hiện nay có không ít cơ sở đăng ký sản xuất bia rượu nhưng chủ yếu đi mua cồn về pha hoặc sản xuất chỉ là trá hình bởi lượng sản phẩm tiêu thụ gấp nhiều lần so với công suất sản xuất.

Các chuyên gia cho rằng, hiện mô hình chuẩn về an toàn thực phẩm tại Việt Nam chưa có nên các quy định đưa ra hiện nay vẫn chỉ theo hướng dẫn chung chung, người dân rất khó triển khai.

Ví dụ, nếu có “mô hình phở gà thế nào là sạch, an toàn" thì những người bán phở cứ thế làm theo, còn không có mẫu chuẩn, cứ nói chung chung sẽ rất khó thực thi trong điều kiện người sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiến thức hạn hẹp, vệ sinh thực phẩm lại là vấn đề đa dạng.

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu quy định như dự thảo là “chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Chủ cơ sở hoặc người quản lý có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khoẻ và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế.

Việc khám sức khoẻ do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện” thì chỉ là một hình thức “giấp phép con”, rồi lại đẻ ra giấy phép con. Bởi tại Việt Nam, với quy định trên, làm sao để đảm bảo tính khả thi khi đặc thù ở ta có hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh rượu bia?

Đây không phải là lần đầu tiên có một dự thảo văn bản có nguy cơ khó khả thi khi thực hiện trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem