Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trình bày tóm tắt Luật Chăn nuôi (ảnh PV).
Sáng nay (11.12), tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thông qua, gồm: Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân, Luật Đặc xá, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật cảnh sát biển Việt Nam, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Đáng chú ý ngành nông nghiệp có 2 luật được công bố là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt.
Giới thiệu tóm tắt về Luật Chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Luật Chăn nuôi được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật gồm 8 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.
Điểm đáng chú ý của Luật này là mục đối xử nhân đạo với vật nuôi (bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi). Điều luật ở mục này quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, trong vận chuyển và trong giết mổ.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo đúng quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Khi vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi. Khi vận chuyển vận nuôi cũng phải cung cấp thức ăn, nước uống và không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Khi giết mổ, chủ cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như: Cơ sở giết mổ phải có nơi lưu giữ bảo đảm vệ sinh, cung cấp nước uống phù hợp với loại vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi, không đánh đập, hành hạ; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Đối với vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác cũng phải được đối xử nhân đạo theo các quy định nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.