"Quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo chưa có sự thống nhất"

Tào Nga Thứ năm, ngày 23/05/2024 06:48 AM (GMT+7)
"Các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chưa có sự thống nhất về đạo đức của giáo viên và giảng viên; chỉ áp dụng khu vực công chưa tính đến khu vực ngoài công lập và cơ sở giáo dục nước ngoài...", GS.TS Phạm Hồng Thái cho hay.
Bình luận 0

Đạo đức nhà giáo cần có sự thống nhất

Liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhà giáo được quy định hiện nay, GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Đạo đức nhà giáo là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được hình thành trong lịch sử, được lưu truyền, sàng lọc qua thực tiễn đời sống xã hội, thực tiễn quan hệ giữa người dạy học và người học với những người có liên quan với người học, đối với xã hội, tùy thuộc vào môi trường chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, truyền thống lịch sử các quốc gia.

Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo là một bộ phận đạo đức của nhà giáo, là những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức thể hiện trong hành vi, ứng xử, thái độ của của nhà giáo, khi thực thi nhiệm vụ, bổn phận nghề nghiệp của nhà giáo. Ngoài phạm vi nghề nghiệp giáo dục thì đạo đức của nhà giáo không trở thành đạo đức nghề nghiệp...". 

Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Hồng Thái, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về đạo đức nhà giáo, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo còn khá tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật. Tất cả các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chỉ đối với nhà giáo trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của nhà nước, chưa tính đến đối tượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam; chưa tính đến đạo đức của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chưa có sự thống nhất về đạo đức của giáo viên và giảng viên. Các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.

"Quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo chưa có sự thống nhất"- Ảnh 1.

Một số khuyến nghị về xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo: Cần điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở cấp độ Nghị định của Chính phủ, ít nhất cũng bằng thông tư của Bộ trường Bộ GDĐT. Văn bản này quy định đạo đức nghề nghiệp của mọi nhà giáo cả khu vực công, khu vực tư và được áp dụng đối với cả nhà giáo nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam, cơ sở giáo dục của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Không phân biệt đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học;

Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đối với các cơ sở đào tạo có tính đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc phải thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, từng trường hay các bộ chuyên ngành có thể có những quy định riêng, nhưng không trái với những quy định chung về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.

Góp ý sửa đổi quy định đạo đức nhà giáo

Theo TS.Lê Thị Huyền Trang và PGS.TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Chuẩn mực đạo đức hành nghề thể hiện tính chất chuyên nghiệp của một ngành nghề nào đó, góp phần quan trọng trong quá trình ra quyết định của chuyên gia, giúp làm rõ những trách nhiệm của chuyên gia với xã hội, mang lại sự yên tâm cho xã hội đồng thời giúp các chuyên gia duy trì sự công bằng và liêm chính trong quá trình hành nghề cũng như trong quan hệ với thânchủ và cộng sự để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Về bộ quy điều đạo đức nhà giáo, khác với các quốc gia phát triển phương Tây coi việc ban hành và thi hành đạo đức nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của hiệp hội nghề nghiệp, đạo đức nghề giáo ở Việt Nam đã được luật hóa từ năm 2008 theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT. Theo đó, quy định này là "cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo".

Nói theo một cách khác, quy định đạo đức nhà giáo ở Việt Nam không chỉ mang tính tự nguyện mà còn bắt buộc thi hành, trở thành một tiêu chuẩn để được hành nghề hoặc bị xử lý theo những quy định của pháp luật, tước bỏ danh xưng nhà giáo.

Tuy vậy, có được những Bộ quy tắc phù hợp với Việt Nam, các nhà quản lý và chuyên gia khoa học cũng cần cân nhắc thêm các đặc điểm văn hóa xã hội như lối sống cộng đồng bảo mật thông tin kém; quan hệ xã hội mang tính tôn ti trật tự; đứa trẻ ít tính tự chủ; thành kiến và kỳ thị; muốn làm người khác hài lòng đã ảnh hưởng đến việc ra quyết định đạo đức của các nhà giáo dục như thế nào.

Liên quan đến vấn đề đạo đức, một góp ý cho Điều 13, khoản 1 trong dự thảo 2 Luật Nhà giáo thay vì nói bao gồm các tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, trình độ đào tạo bồi dưỡng; năng lực chuyên môn nghiệp vụ; nhiệm vụ theo chức danh nhà giáo và sức khỏe thì nên tách bạch cụ thể thành chuẩn nng lực đo đức hành nghề (bao gồm năng lực nhận thức và tư duy phản biện về các quy tắc đạo đức dựa trên các giá trị chung; năng lực điều chỉnh điều khiển hành vi thực hiện theo các hướng dẫn về đạo đức) và chuẩn nng lực chuyên môn của nhà giáo (gồm cả trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn nghiệp vụ).

Còn "nhiệm vụ theo chức danh nhà giáo" thì không phải là chuẩn, nó là mục tiêu của việc tạo ra chuẩn nhà giáo. Nhà giáo sẽ được phân công nhiệm vụ theo từng chức danh nếu đạt chuẩn nhà giáo chung và nhà giáo theo cấp độ. Tiêu chuẩn về sức khỏe hiện tại cũng rất mơ hồ (sức khỏe gồm cả sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội) rất khó đo lường".

Sự cần thiết ra đời Luật Nhà giáo

Quy định về đạo đức nhà giáo và chứng chỉ hành nghề nhà giáo là 2 trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Nhà giáo đang được xây dựng.

Đã có nhiều Luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua. Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù, một dự án Luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ngành Giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá. Vì vậy, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật.

Trong năm 2023, Bộ GDĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ GDĐT xác định việc đề xuất việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025, vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.

Ngoài các nguyên tắc chung khi xây dựng 1 bộ luật, Bộ GDĐT tập trung vào 2 nguyên tắc cơ bản. Đó là xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự công bằng cho nhà giáo trong tất cả các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác đều được thống nhất bởi các khung quy định chung.

Với định hướng đổi mới công tác quản lý nhà nước về nhà giáo nêu trên, giúp nâng cao tính chủ động của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đồng thời nâng cao vị thế của ngành Giáo dục và của nhà giáo.

Sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5, Bộ GDĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. 

Trong Hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo do Bộ GDĐT phối hợp với Trường Đại học Luật và Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngoài đạo đức của một công dân, một viên chức bình thường thì cần có những đặc trưng riêng của ngành nghề. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo vừa là tôn vinh, trách nhiệm và tạo nên vị thế của nhà giáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem