Quy định về hành vi mà giang hồ Đạt "ma" ở Thanh Hóa đang bị điều tra

Quang Trung Thứ ba, ngày 15/11/2022 10:43 AM (GMT+7)
Đạt "ma" là giang hồ phức tạp, có nhiều tiền án, manh động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vừa bị công an bắt giữ khi đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Luật sư đã có phân tích về hành vi của đối tượng này.
Bình luận 0

Giang hồ cộm cán Đạt "ma" ở Thanh Hóa bị bắt

Ngày 13/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ bắt quả tang Bùi Quốc Đạt (tức Đạt "ma", sinh năm 1979, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) có hành vi cưỡng đoạt tài sản của người dân tại địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh.

Quy định về hành vi mà giang hồ Đạt "ma" ở Thanh Hóa đang bị điều tra - Ảnh 1.

Bùi Quốc Đạt (Đạt "ma") bị công an bắt giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh hóa đã ra quyết định tạm giữ, thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Bùi Quốc Đạt tại phố Lê Hoàn, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, Bùi Quốc Đạt có nhiều tiền án về các tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, gá bạc, hoạt động manh động, côn đồ trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng, gây hoang mang, lo lắng, bức xúc cho nhân dân trong thời gian qua.

Quy định về hành vi Đạt "ma" đang bị điều tra

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi mà Đạt "ma" đang bị điều tra được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Có thể hơn, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội.

Theo luật sư Hòe, cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác, người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt.

Nếu chỉ thuần tuý đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần mà không có hay không gắn liền vối yêu cầu về tài sản để chiếm đoạt sẽ không cấu thành tội phạm này.

Về hình phạt, theo vị luật sư, Điều 170, Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Còn chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Như vậy, nếu bị chứng minh có tội cưỡng đoạt tài sản, tùy tính chất mức độ mà người phạm tội có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem