Từ vụ cựu Bí thư Đồng Nai nhận hối lộ của AIC, quy trình mang tiền qua sân bay thế nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 14/11/2022 19:52 PM (GMT+7)
Từ vụ cựu Bí thư Đồng Nai nhận hối lộ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về việc, di chuyển trên chuyến bay nội địa được phép mang theo bao nhiêu tiền mặt?
Bình luận 0

Cựu Bí thư Đồng Nai nhận hối lộ 14.5 tỷ đồng

Dư luận đang quan tâm đến vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đến Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố 36 bị can liên quan đến vụ án này.

Từ vụ cựu Bí thư Đồng Nai nhận hối lộ của AIC, quy trình mang tiền qua sân bay thế nào? - Ảnh 1.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành nhận hối lộ 14.5 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Đáng chú ý, trong số 36 bị can có ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai. Ông này bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo cáo buộc, trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, ông Thành khai đã tác động, chỉ đạo để cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu.

Bị can đã được Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC trực tiếp 6 lần đưa tiền với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng.

Trong đó lần thứ 4, vào cuối năm 2012, bị can Nhàn đưa cho ông Trần Đình Thành số tiền nhiều nhất, 5 tỷ đồng tại trụ sở Công ty AIC. Sau đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy cho toàn bộ số tiền 5 tỷ đồng vào vali cá nhân, mang vào Đồng Nai.

Bay nội địa được phép mang bao nhiêu tiền mặt?

Từ thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy di chuyển về Đồng Nai bằng đường hàng không, với 5 tỷ đồng thì quy trình kiểm tra thế nào? Và di chuyển nội địa được phép cầm theo bao nhiêu tiền?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối, nhà nước Việt Nam chỉ kiểm soát tiền tệ khi mang tiền ra nước ngoài hoặc mang tiền từ nước ngoài vào Việt Nam.

Còn việc chuyển tiền trong nước không bị hạn chế. Vì thế, hành khách có thể tùy ý mang theo tiền hoặc các tài sản có giá trị đi trên các chuyến bay nội địa mà không phải khai báo.

Tuy nhiên, đối với hàng ký gửi trên chuyến bay nội địa, các hãng hàng không đều có khuyến cáo là hành khách không nên để những hàng hóa, tài sản có giá trị ở trong hành lý ký gửi bởi có thể xảy ra rủi ro như mất cắp, mất hành lý…

Vì thế, đa số tiền, vàng và những tài sản có giá trị thông thường sẽ do hành khách mang theo dạng hành lý xách tay.

Đối với chuyến bay quốc tế, bà Thơ cho biết, theo quy định tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 (Thông tư 15) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh mà mang theo tiền mặt (ngoại tệ hoặc Việt Nam đồng) với giá trị bằng hoặc thấp hơn 5.000 USD hoặc 15 triệu đồng sẽ không phải khai báo hải quan. Nếu vượt quá con số này sẽ phải khai báo hải quan.

Mức 5.000 USD hay 15 triệu đồng được quy định trong Thông tư 15  là chỉ tính tiền mặt, không bao gồm những loại giấy tờ có giá trị tương đương khác như: séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán,…

Ngoài ra, theo vị luật gia, nếu không khai báo hải quan, người xuất cảnh, nhập cảnh sẽ phải chịu mức phạt lên tới 50 triệu đồng. Mức phạt được áp dụng theo Điều 10 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Cụ thể, đối với người xuất cảnh: Phạt 1 đến 3 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 đến dưới 30 triệu đồng.

Phạt 5 đến 15 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30 đến dưới 70 triệu đồng.

Phạt 15 đến 25 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70 đến dưới 100 triệu đồng.

Phạt 30 đến 50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm.

Đối với người nhập cảnh: Phạt 1 đến 2 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng.

Phạt 5 đến10 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50 đến dưới 100 triệu đồng.

Phạt 10 đến 20 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm.

Ngoài ra, nếu người xuất nhập cảnh khai nhiều hơn số tiền hay vàng mang theo cũng bị phạt mức tiền từ 5 đến 25 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem