Quỹ Hỗ trợ nông dân là đòn bẩy kinh tế cho nông dân Thạch Thành
Quỹ Hỗ trợ nông dân là đòn bẩy kinh tế cho nông dân Thạch Thành
Lương Hà - Hữu Dụng
Thứ ba, ngày 25/06/2024 07:04 AM (GMT+7)
Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân đã tiếp sức cho các hộ nông dân huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vượt khó, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề...
Phát huy lợi thế của huyện miền núi ở Thanh Hóa với nhiều loại cây lâm sản và cây ăn quả, năm 2018, sau khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Thạch Thành đã vận động các hộ nuôi ong lấy mật thành lập tổ hợp tác để liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật, tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Đồng thời, lựa chọn sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện Thạch Thành.
Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Hóa thăm mô hình nuôi ong lấy mật của hợp tác xã mật ong Thành Kim ở huyện Thạch Thành.
Đơn cử như tại Hợp tác xã ong mật Thành Kim ở thị trấn Kim Tân có 48 hội viên, với hơn 1.500 đàn ong của các thành viên. Hiện, mỗi năm hợp tác xã ong mật này thu trên 13 tấn mật, với giá bán trung bình từ 150.000 - 200.000 đ/lít, tùy từng thời điểm và từng loại mật hoa đã mang về nguồn thu ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã. Năm 2022, sản phẩm mật ong Thành Kim của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Lưu Văn Tĩnh, Giám đốc Hợp tác xã ong mật Thành Kim cho biết: "Tham gia hợp tác xã, bà con hội viên sẽ được Hội Nông dân huyện giới thiệu tham dự nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật nuôi ong và được thực tế ở nhiều địa phương có nghề nuôi ong phát triển. Sau khi tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện đề xuất vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân".
Cũng theo ông Tĩnh, nhờ vào nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng, từ đó gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi, tách đàn ong lên đến 70 đàn. Hiện với 70 đàn ong, mỗi năm gia đình ông Tĩnh thu về khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của gia đình ngày càng được cải thiện.
Năm 2021, anh Quách Văn Hùng, thôn Bông Bụt, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thanh Hóa với số tiền vay 50 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản.
Từ số tiền được vay, anh Hùng đã mua 30 con dê về nuôi. Được cán bộ Hội Nông dân huyện Thạch Thành hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, có bãi chăn thả và chăm chỉ làm ăn để quay vòng vốn, từ 30 con dê ban đầu, đến nay đàn dê có gần 70 con, bình quân mỗi năm anh Hùng xuất bán từ 15 - 20 con dê thịt và dê giống các loại. Nhờ đó, kinh tế gia đình khá dần lên, thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm.
Anh Quách Văn Hùng cho biết: "Nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân thật sự là đòn bẩy để gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tôi sẽ tập trung quay vòng đồng vốn để phát huy hiệu quả hơn nữa nhằm mở rộng quy mô phát triển kinh tế của gia đình".
Quỹ Hỗ trợ nông dân, điểm tựa để nông dân cất cánh
Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang quản lý gần 3,4 tỷ đồng (trong đó, nguồn của Trung ương 1 tỷ đồng; nguồn của Tỉnh hội 1,4 tỷ đồng và của huyện vận động trên 975 triệu đồng) cho 41 hội viên được vay vốn.
Ông Nguyễn Mạnh Thìn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thành cho biết, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ cho nhiều lượt hộ hội viên nông dân vay, trung bình từ 20-50 triệuđồng/hộ được tín chấp qua Hội Nông dân các cấp; đã giải quyết việc làm hơn 200 lao động. Nhiều cơ sở Hội hướng dẫn cho hội viên nông dân sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Năm 2023 thông qua việc vay vốn từ các nguồn quỹ đã giúp thành lập được 10 tổ hợp tác; 1 hợp tác xã. Sau khi nguồn vốn được giải ngân, các hội viên đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Thìn cũng cho biết, nhờ vào nguồn vốn, Hội Nông dân huyện Thạch Thành cũng đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tiêu biểu như: Sản xuất và tiêu thụ mật mía tại xã Thạch Bình; trồng mít Thái tại xã Thạch Sơn; sản xuất và tiêu thụ mật mía tại thị trấn Kim Tân; nuôi dê ở xã Thành Công; chăn nuôi bò sinh sản tại xã Thạch Long.
"Để quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của Điều lệ Quỹ và pháp luật của nhà nước. Thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay. Kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ", ông Nguyễn Mạnh Thìn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thành cho hay.
Cùng với các kênh hỗ trợ khác, nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Với những nỗ lực không ngừng, Quỹ hỗ trợ nông dân ngày càng trở nên thiết thực và trở thành "người bạn" thân thiết với nông dân. Qua đó không những góp phần cải thiện đời sống mà còn tạo được niềm tin trong hội viên đối với vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân các cấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.