Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn: Vẫn loay hoay “cơm, áo, gạo, tiền”

Thanh Hà Thứ tư, ngày 15/04/2015 07:52 AM (GMT+7)
Đại diện nhiều Sở VHTTDL đã bày tỏ ý kiến lo ngại về những bất cập trong quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Thậm chí NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam còn e ngại quy hoạch sẽ chỉ nằm trên bàn giấy...
Bình luận 0

Thời gian xây dựng và thực hiện quá dài

Sáng 14.4, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị phổ biến quy hoạch tổng thể phát triển NTBD đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ VHTTDL cùng Cục NTBD chủ trì.

Theo ông Phạm Đình Thắng- Cục Phó Cục NTBD: “Quy hoạch tổng thể phát triển NTBD đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” có nhiều điểm mới, đó là quy hoạch vùng phát triển NTBD dựa trên tiềm năng sẵn có, bản sắc văn hóa, trên cơ sở định hướng phát triển văn hóa và du lịch vùng đến 2020. Quy hoạch này nhằm bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống gắn với không gian văn hóa, phát triển các loại hình nghệ thuật giá trị cao để hội nhập quốc tế. Ngoài ra quy hoạch tổng thể cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách bằng cách nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật”.

img
 Nghệ sĩ Quang Long và Tuyết Mai trong một đêm biểu diễn nghệ thuật Xẩm và đời tại Nhà hát lớn Hà Nội đầu năm 2015.    T.H

Theo đánh giá của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSK) thì quy hoạch lần này đang có mấy vấn đề hạn chế, gây bất cập khi thực hiện. Theo ông Thọ, thời gian xây dựng quy hoạch và thời gian thực hiện giải pháp chưa cụ thể hóa và kéo quá dài.

Cụ thể tại nội dung xây dựng đề án cơ chế đãi ngộ với văn nghệ có nhiều thành tích và giải thưởng cao trong nước và quốc tế, với thời gian là 4 năm (từ 2015- 2018) là quá lâu so với đặc thù làm nghệ thuật của các nghệ sĩ. Về hỗ trợ ngân sách sáng tác, những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao cũng phải mất đến gần 5 năm mới có đề án.

Bất cập thứ 2 được NSND Tiến Thọ chỉ ra là quy hoạch nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa như: Rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm VHNT giai đoạn 2012-2020 không được nói rõ thời gian cụ thể năm nào thì hoàn thành bao nhiêu rạp hát. Các đơn vị nghệ thuật của tỉnh, thành phố không biết lấy tiền ở đâu, đất ở đâu?

“Chúng ta chỉ còn 5 năm là đến năm 2020, trong khi bây giờ chúng ta sẽ xây dựng luật NTBD, và đến năm 2017 mới bắt đầu triển khai. Tôi e rằng như vậy luật NTBD sẽ không đi vào đời sống được. Trong khi chúng ta còn bao nhiêu vấn đề khác như xây dựng những văn bản hướng dẫn, hoạch định chính sách... Thậm chí tôi xin nói hơi quá là những quy hoạch này không cẩn thận chỉ nằm trên giấy” - NSND Tiến Thọ lo lắng.

Mong tăng lương và có chỗ diễn

Cũng tại bản quy hoạch này, NSND Lê Tiến Thọ phân tích về sự bất cập của quy hoạch các đơn vị nghệ thuật: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm rõ một số các đơn vị nghệ thuật từ nay đến 2020, đơn vị nào sẽ xã hội hóa. Những đơn vị nào được đầu tư ra sao để họ biết mà phát triển”.

Quan điểm

Ông Phạm Đình Thắng
  Trước kia mức lương cơ bản của nghệ sĩ, diễn viên chỉ là 1,86. Dự kiến theo quy hoạch tổng thể với trường hợp như NSƯT, NSND, nghệ sĩ chính, lương sẽ nâng lên khoảng 2,46. Sẽ có ưu đãi hơn mức lương bình thường so với công chức tuy nhiên tất cả phải theo lộ trình”. 
Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Thắng cho rằng, trong việc xây dựng luật NTBD không tránh khỏi những bất cập, ngay như với Nghị định số 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu… cũng sửa đổi nhiều lần mà vẫn chưa ổn. “Ví dụ là quy định số lượng các cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia trong năm. Trước đây có ý kiến là 1 năm 2 cuộc thi cấp quốc gia, có ý kiến cho rằng thế nhiều quá. Sắp tới cân nhắc lại, số lượng cuộc thi là 1 thì có phù hợp không?...”.

 

Cũng về nội dung quy hoạch các đơn vị nghệ thuật, ông Nguyễn Xuân Vinh- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, anh chị em nghệ sĩ đang ngày đêm mong mỏi được xây dựng nhà hát mới, bởi có an cư thì mới lạc nghiệp. Nhà hát mong mỏi cơ quan quản lý vào cuộc và đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trong xây dựng, triển khai quy hoạch để biến giấc mơ có một nơi khang trang để biểu diễn thành hiện thực.

Chia sẻ tại hội nghị, NSƯT Nguyễn Xuân Xanh- Giám đốc Nhà hát Chèo Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi rất mong chờ Bộ ra một số văn bản về chế độ cho các nghệ sĩ. Hưng Yên có 1 nhà hát, 2 đoàn NTBD, nhưng cứ theo khung quy định trả lương của Nhà nước thì nhà hát chúng tôi khó tìm được nhân lực. Bởi một diễn viên biên chế được trả lương 1.500.000 đồng/tháng, một buổi đi diễn được thêm tiền công là 100.000 đồng. Tôi cho rằng chế độ chính sách đãi ngộ các diễn viên không được tốt dẫn đến tình trạng khó thu hút nhân lực. Mà không phải chỉ mình đoàn chúng tôi, mà tất cả các đoàn khác ở các tỉnh, địa phương đều chung cảnh ngộ như vậy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem