Dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đến từ Hội ND 21 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam và tỉnh Kon Tum.
Nguồn quỹ liên tục tăng trưởng
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND của cả nước đã đạt hơn 3.284 tỷ đồng, tăng hơn 2.737 tỷ đồng so với 31/12/2010.
Nông dân quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) trồng cam thoát nghèo từ nguồn vốn Quỹ HTND. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương cho biết: Thời gian qua, Quỹ HTND đã được các cấp Hội trong cả nước quyết tâm xây dựng, đẩy mạnh. Tại nhiều địa phương, các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền thực hiện tốt các nội dung Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011-2020”, đã đưa nguồn vốn Quỹ HTND từ hơn 500 tỷ đồng (trước khi thực hiện đề án) đến nay đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2010.
“Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng vạn lượt hộ hội viên, nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Qua đó, thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống” – ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, công tác hội và phong trào nông dân được đẩy mạnh, nâng cao năng lực, vai trò, vị trí Hội ND trong hệ thống chính trị và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới... Các tỉnh, thành làm tốt công tác vận động tăng trưởng vốn từ ngân sách là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam, Lai Châu...
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, hiện nay, phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân đã có bước chuyển mạnh, từ cho vay nhỏ lẻ theo hộ, quy mô nhỏ sang cho vay theo dự án. Việc làm này nhằm mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, cách làm này cũng giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Hiện nay, mức vay quỹ đã được nâng từ 50 triệu đồng/hộ lên đến 100 triệu đồng/hộ, đối với dự án có thể vay từ 300 triệu đến đối đa 2 tỷ đồng, thời gian vay tuỳ vào loại hình sản xuất, kinh doanh. Quá trình xét duyệt cho vay phải qua 6 bước, trong đó bước lựa chọn mô hình, dự án để cho vay được xem là quan trọng nhất.
Ưu tiên hỗ trợ các dự án, mô hình hợp tác
Quỹ HTND “không đụng hàng” với các nguồn vốn hỗ trợ, cho vay khác là ở chỗ tập trung vào việc giúp đỡ người dân (hộ kinh doanh giỏi, biết tập hợp nông dân làm ăn tập thể) xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng
|
Bên cạnh những những đơn vị làm tốt công tác vận động phát triển, quản lý nguồn vốn Quỹ HTND có hiệu quả, theo Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương, vẫn còn một số đơn vị bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về công tác phát triển nguồn vốn, vận động tăng trưởng khá tích cực nhưng không đều giữa các địa phương trên cả nước và giữa các tỉnh, thành Hội trong từng vùng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng chủ yếu do ngân sách cấp, trong khi vận động ủng hộ, đóng góp vốn quỹ nguồn ngoài ngân sách rất tiềm năng nhưng kết quả còn khiêm tốn.
Về công tác cho vay, việc lựa chọn, xây dựng mô hình chưa thực sự điển hình, chưa đa dạng, còn dàn trải, chưa tạo được sự liên kết thực sự chặt chẽ giữa các hộ tham gia vay vốn nên một số nơi có xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Về công tác quản lý, một số nơi sổ sách theo dõi hoạt động quỹ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của Bộ Tài chính.
Về phương hướng phát triển trong giai đoạn 2018 – 2023, Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương xác định, nguồn vốn sẽ tăng trưởng bình quân từ 10%/năm trở lên. 100% cơ sở Hội có mô hình vay vốn Quỹ HTND. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý điều hành Quỹ HTND. Phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng làm tốt dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân.
Xây dựng phần mềm quản lý chung
“Quỹ HTND TP.HCM có 170 tỷ đồng, hỗ trợ cho nông dân phát triển các lĩnh vực như rau, cây kiểng, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi kiến nghị, thay vì cho vay hộ thì nên cho vay theo dạng cá nhân, nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý Quỹ HTND chung cả nước.
Ngoài ra, đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011- 2020” sắp hết hạn, cần có hướng dẫn để các địa phương có kế hoạch cho giai đoạn sau. Hiện nay, nông dân áp dụng mạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng gia sản xuất cần nhiều vốn nên tăng cường thêm nguồn vốn cho quỹ nông dân”.
Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM
Nâng mức vay đối với trang trại, HTX
“Tổng nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh Bình Dương là 140 tỷ đồng. Chúng tôi cho vay 338 dự án tương đương với 338 tổ hợp tác, những tổ hợp tác này phát triển rất thuận lợi. Đặc biệt, Hội ND tỉnh Bình Dương chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức vốn cho vay đối với các trang trại, hợp tác xã (có thể tính đến việc cho vay theo hình thức thế chấp). T.Ư Hội NDVN nên tổ chức cho nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài, kinh phí các địa phương tự lo”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung-Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương
Bà con yên tâm tập trung sản xuất
“Các mô hình hỗ trợ vốn Quỹ HTND đều được thẩm định tốt. Sau đó, nhiều mô hình được nhân rộng, cụ thể từ 12 mô hình trước đây đã lên đến 113 mô hình với gần 25.000ha. Các mô hình phần lớn thực hiện theo chuỗi giá trị, bà con chỉ lo sản xuất. Quỹ HTND của thành phố không nhiều, chỉ ở mức 24 tỷ đồng, trong đó cấp T.Ư ủy thác là 5,7 tỷ đồng, nguồn vốn thành phố được 8 tỷ đồng, hàng năm, UBND thành phố bổ sung thêm 2 tỷ/năm, còn lại các quận, huyện quản lý khoảng 10 tỷ đồng.
Số hội viên vay vốn là trên 36.000 hộ, chiếm hơn 1/3 số hội viên hội ND, chưa phát sinh nợ quá hạn. Số vốn Quỹ HTND vẫn còn quá ít so với nhu cầu, chỉ ở dạng tiếp sức, chu kỳ vay còn ngắn, bà con khó khăn khi sử dụng vốn này. Vì vậy, cần nguồn vốn lớn hơn…”.
Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.