Quỹ tín dụng nhân dan phá sản sẽ ưu tiên đền bù cho các khoản vay đặc biệt trước nhất.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa Dự thảo lấy ý kiến Thông tư quy định Tổ chức lại, thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với điểm đáng chú ý là quy định về thanh lý tài sản khi các tổ chức phá sản.
Cụ thể, Thông tư quy định cụ thể về việc Thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân trong trường hợp QTDND phá sản tại Mục 3 chương 2 của Thông tư.
Theo đó, Thời hạn thanh lý QTDND là 12 tháng kể từ ngày văn bản chấp thuận giải thể, văn bản yêu cầu quỹ tín dụng nhân dân thanh lý tài sản của NHNN chi nhánh có hiệu lực thi hành.
Thời hạn thanh lý quỹ tín dụng nhân dân có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng.
Về thứ tự phân chia tài sản của QTDND khi thực hiện phá sản được quy định theo trình tự như sau: 1. Các khoản vay đặc biệt theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (năm 2017); 2. Các khoản lệ phí, chi phí thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật; 3. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; 4. Các khoản chi trả cho người gửi tiền; 5. Các khoản nợ vay từ Quỹ bảo toàn; 6. Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; 7. Các khoản nợ khác.
Nếu theo quy định về phân chia tài sản nêu trên, số tiền thanh lý tài sản của QTDND khi phá sản sẽ được dành ưu tiên trả các “khoản vay đặc biệt”. Vậy khoản vay đặc biệt là những khoản vay nào?
Theo quy định tại Luật các TCTD (năm 2017), các khoản vay đặc biệt là: Khoản vay do NHNN, Bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã, TCTD khác cho vay để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt; Để hỗ trợ phục hồi theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Trong Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp giá trị tài sản của quỹ tín dụng nhân dân sau khi đã thanh lý đủ các khoản theo quy định mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ góp vốn tại thời điểm thực hiện việc phân chia tài sản.
QTDND không được chia cho thành viên vốn và tài sản chung do Nhà nước trợ cấp (Vốn do nhà nước trợ cấp, công trình công cộng, kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng dân cư) mà phải chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đối với đất do nhà nước giao cho quỹ tín dụng nhân dân sử dụng được xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.
Khi QTDND đã rơi vào tình trạng để phải tuyên bố phá sản, cần vay để hỗ trợ thanh khoản, có nghĩa là đã có thể đã âm vốn chủ sở hữu, nghĩa vụ trả nợ rất lớn. Nếu theo trình tự phân chia tài sản ưu tiên như trên, trả các khoản vay đặc biệt rồi mới tới các khoản nợ lương, chi phí thanh lý, e rằng đến lượt các khoản chi trả cho người gửi tiền thì tài sản đã không còn để mà chia, khó có thể “đến tay” khách hàng.
Trong dự thảo Thông tư cũng quy định về trường hợp giá trị tài sản không đủ khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
Điều 101 Luật Phá sản năm 2014 quy định: Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.