Quy trình thu hồi tài sản vụ Trương Mỹ Lan và vụ Tân Hoàng Minh
Quy trình thu hồi tài sản vụ Trương Mỹ Lan và Tân Hoàng Minh
Bách Thuận
Chủ nhật, ngày 14/04/2024 06:29 AM (GMT+7)
2 đại án Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh đã kết thúc phiên xử sơ thẩm. Dư luận đang băn khoăn về việc thu hồi tài sản ở 2 đại án này, bởi vụ Tân Hoàng Minh thì có đến 6.630 bị hại, còn vụ Vạn Thịnh Phát thì Trương Mỹ Lan bị buộc bồi thường đến hơn 673 nghìn tỷ đồng.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị hại cần liên hệ cơ quan thi hành án dân sự để làm thủ tục
Như Dân Việt đã đưa tin, 2 đại án lớn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh); vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan đã kết thúc phiên xét xử sơ thẩm.
Với vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chiều 27/3/2024, Toà án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án đối với 15 bị cáo. Cả 15 bị cáo bị đưa ra xét xử cùng với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị tuyên phạt 8 năm tù. Toà cũng đồng thời buộc Đỗ Anh Dũng phải bồi thường cho 6.630 nhà đầu tư số tiền hơn 8.600 tỷ đồng. Thông tin từ nhà chức trách, kết quả điều tra thu hồi được tổng số tiền hơn 8.644 tỷ đồng (hậu quả vụ án được khắc phục hoàn toàn).
Còn với vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiều 11/4, Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm với Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 bị cáo khác.
Có 1 án tử hình giành cho Trương Mỹ Lan; 4 án tù chung thân và các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm tù.
Một thông tin đáng chú ý, về dân sự, Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định, buộc Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho ngân hàng SCB hơn 673.800 tỷ đồng vì bản chất bị cáo sử dụng toàn bộ số tiền này (phiên xét xử này là giai đoạn 1 của vụ án).
Dư luận cả nước hiện đang rất quan tâm đến việc thu hồi tài sản ở 2 đại án, bởi những con số toà án buộc những người liên quan phải bồi thường rất lớn, cũng như các vụ án có hàng nghìn bị hại.
Liên quan đến quy trình thu hồi tài sản ở các đại án, trao đổi với Dân Việt, luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty luật Pháp Trị (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đánh giá, trách nhiệm dân sự mà các bị cáo phải bồi thường ở 2 đại án theo như bản án sơ thẩm tuyên là rất lớn.
Đi vào phân tích từng đại án, luật sư Quách Thành Lực cho biết, trong đại án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mặc dù số tiền các bị hại bị chiếm đoạt lên đến hơn 8.600 tỷ đồng nhưng toàn bộ số tiền này đã được khắc phục hoàn toàn, cơ quan tố tụng đã tạm giữ số tiền hàng nghìn tỷ đồng này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Theo quy định, số tiền này sẽ được gửi tại Kho bạc Nhà nước và khi kết thúc điều tra, truy tố sẽ được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự bảo quản. Chiếu theo các quy định hiện hành, Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội đang là đơn vị có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ vật chứng là số tiền trên tại kho bạc.
Theo luật sư Quách Thành Lực, bản án mà Toà án nhân dân TP.Hà Nội tuyên trong vụ án Tân Hoàng Minh chiều 27/3/2024 là bản án sơ thẩm, nếu phần bồi thường này bị kháng cáo, kháng nghị thì các bị hại phải đợi đến khi có bản án, quyết định của cấp phúc thẩm mới được thi hành án. Còn nếu phần trách nhiệm dân sự này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì sẽ được thi hành án.
Về thủ tục để hàng nghìn bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh nhận lại được tiền, việc bồi thường sẽ được áp dụng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020, 2022).
Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội này cho biết, khi bản án có hiệu lực, người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án, lúc đó cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án (thời hạn thi hành án là 5 năm). Cơ quan thi hành án dân sự sẽ chi trả trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án…
Ở vụ Tân Hoàng Minh, luật sư Quách Thành Lực phân tích, toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả đã đang được tạm giữ, khi các bị hại có yêu cầu thi hành án thì cũng sẽ sớm được nhà chức trách giải quyết chi trả. Các bị hại cần chuẩn bị hồ sơ gồm đơn yêu cầu thi hành án dân sự, giấy tờ tùy thân, bản án có hiệu lực pháp luật gửi đến Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội.
Nếu bị hại không đến nhận tiền theo thông báo thì tiền đó sẽ được gửi tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Người mua trái phiếu của SCB sẽ được giải quyết thế nào?
Trong đại án Vạn Thịnh Phát, theo nhà chức trách, vụ án được chia làm 2 giai đoạn. Phiên sơ thẩm vừa kết thúc chiều ngày 11/4 là giai đoạn 1 của vụ án. Theo đó, giai đoạn này tập trung điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng…
Giai đoạn 2 của vụ án là xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Thông tin từ Bộ Công an, đơn vị này đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị khác liên quan. Bước đầu xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.
Cụ thể, từ năm 2018 - 2020, các nghi phạm có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc Tập đoàn này cùng một số đơn vị khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư.
Do số lượng người bị hại trong vụ án này rất lớn nên Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã ủy thác cho cơ quan điều tra thuộc công an các địa phương làm việc với những nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bộ Công an đề nghị các nhà đầu tư có liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sớm đến làm việc với cơ quan điều tra, đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan tới việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị, để được xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.
Phân tích về vụ án, vị Giám đốc Công ty luật Pháp Trị cho biết, bản án vừa được Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minh tuyên liên quan đại án Vạn Thịnh Phát chiều 11/4 cũng là án sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật, vì thế nếu có kháng cáo, kháng nghị thì sẽ phải chờ quyết định cuối cùng của cấp phúc thẩm.
Trở lại bản án sơ thẩm, luật sư Quách Thành Lực dẫn chứng, Hội đồng xét xử xác định, với các tài sản, khoản tiền để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc phát hành trái phiếu.
"Như vậy, các quyền lợi của người mua trái phiếu SCB sẽ được xem xét, giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án" – vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định.
Theo luật sư Quách Thành Lực, hiện tại giai đoạn 2 của vụ án đang được các cơ quan tố tụng thực hiện điều tra, khi đưa vụ án ra xét xử, trách nhiệm dân sự sẽ do toà án quyết định.
Khi các bản án có hiệu lực pháp luật, thủ tục thi hành án dân sự để bị hại được nhận lại tiền bồi thường được áp dụng quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020 và năm 2022.
Ở một diễn biến khác, về trình tự, thủ tục thi hành án trong đại án Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp cũng nhận định, vụ án vừa được Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm ngày 11/4 là án sơ thẩm, chưa có hiệu lực thi hành.
Theo ông Lợi, nếu phần tuyên bồi thường thiệt hại không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành, hoặc có kháng cáo, kháng nghị và án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lợi cho biết, về phía Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án đân sự địa phương, tới đây là Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ, sẵn sàng ngay khi án có hiệu lực để tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Các đơn vị liên quan đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ (tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương).
Với 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến Trương Mỹ Lan, cơ quan tố tụng đã kê biên để đảm bảo thi hành án (bao gồm rất nhiều tòa nhà ở quận 1, 3, 5... TP.Hồ Chí Minh; 857 triệu cổ phần của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô…)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.