Quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư tính theo m2: Nhà giàu sẽ nhiều quyền hơn?

Quỳnh Chi Thứ sáu, ngày 22/11/2019 18:55 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được quy định 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết là chưa công bằng và vô hình chung đã ủng hộ cho người giàu.
Bình luận 0

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày đầu tháng 1/2020.

img

Quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.

Theo đó, hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê - mua).

Trường hợp quá thời hạn quy định đó mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.

Đáng chú ý, Thông tư của Bộ Xây dựng nêu rõ quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.

Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư lần đầu thì số lượng người tham dự cuộc họp phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự.

Trường hợp không đủ số người tham dự, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp phường, xã nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.

Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định Ban quản trị tòa nhà chung cư phải thông báo công khai tại hội nghị nhà chung cư thông tin về tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đã lập, không được thay đổi tài khoản này và định kỳ 06 tháng thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi tiêu tiền gửi kinh phí bảo trì (nếu có).

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành đã cho thấy sự tích cực vào cuộc của Bộ Xây dựng. Trong đó, nhiều bức xúc, kiến nghị, góp ý của của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia đã được cụ thể hoá trong các quy định Thông tư sửa đổi này.

"Tôi hi vọng, Thông tư số 06 được đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ phần nào giải quyết được những vấn đề tranh chấp chung cư đã xảy ra trong thời gian qua", ông Đính nói.

Bên cạnh đó, ông Đính cũng chỉ ra băn khoăn về một số quy định trong Thông tư số 06. Đơn cử như, ông Đính cho rằng quy định "quyền biểu quyết tại Hội nghị chung cư tính theo m2" không phù hợp. Bởi đây đang là vấn đề lợi ích của cư dân, không thể xác định quyền lợi bằng giá trị m2. "Quy định này vô hình chung đã ủng hộ cho người giàu", ông Đính nhận định.

Theo ông Đính, các quy định cần đưa ra hướng giải quyết liên quan đến các vấn đề lợi ích của của đại đa số cư dân, cho nên phải dựa trên đầu người và số căn hộ. "Mỗi căn hộ là một lá phiếu là hợp lý", ông Đính nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty PMC, Tổng giám đốc Công ty PMC cũng nêu quan điểm: “Nên tôn trọng ý kiến của Hội nghị nhà Chung cư - đó là câu chuyện cần tôn trọng”.

Ông Huy cho rằng, hiện nay áp dụng lấy theo nguyên tắc diện tích mà không lấy theo căn hộ thì cơ quan ban ngành cũng cần thông tin về lý do và phân tích rõ ràng, tránh tình trạng để mọi người hiểu nhầm dẫn đến diễn giải là do chủ đầu tư vận động.

Chúng ta cần phải mở rộng ra quyền bỏ phiếu tính theo m2 hay tính theo căn hộ để cư dân có thể lựa chọn cuộc sống tại nơi ở của mình. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tổ hợp chung cư đã trộn lẫn các chức năng của bất động sản, bao gồm: tầng hầm là kinh doanh bãi đỗ xe; khu thương mại là kinh doanh các mặt hàng, nhà hàng… bất động sản thương mại cho thuê trộn lẫn với chức năng nhà ở. Thậm chí, tại nhiều nơi chủ đầu tư có diện tích chiếm đến 1/3 tổng diện tích tòa nhà.

“Vậy, chúng ta sẽ đặt câu hỏi, khi diện tích riêng của chủ đầu tư là các dự án bất động sản thương mại, chỗ đỗ xe ô tô, nhà hàng,… mà cũng có quyền bỏ phiếu để lựa chọn các tiêu chuẩn, nội quy liên quan đến bất động sản nhà ở, liệu rằng có hợp lý hay không?”, ông Huy băn khoăn.

Song, ở góc độ doanh nghiệp, đại diện một Tập đoàn kinh doanh lĩnh vực bất động sản lại cho rằng, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư tương tự cách tính phiếu biểu quyết của cổ đông công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành (mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết). Điều này bảo đảm sự công bằng giữa chủ sở hữu căn hộ lớn, căn hộ vừa, căn hộ nhỏ, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư – đối tượng vốn vẫn phải chịu phí dịch vụ quản lý Tòa nhà, kinh phí bảo trì và các chi phí khác gấp nhiều lần so với các căn hộ có diện tích nhỏ nhưng quyền biểu quyết lại chưa tương xứng với mức độ đóng góp của họ trong tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư.

Chung cư quốc tế: Cũng nhức nhối tranh chấp chung - riêng

Hàng loạt các khu căn hộ tại Hà Nội xảy ra tranh chấp gay gắt diện tích sở hữu chung-riêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem