Quyền của “Thượng Đế”

Thứ năm, ngày 30/09/2010 20:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngôn từ không thể thay pháp luật, vì vậy nếu như người dùng điện (khách hàng của EVN) vẫn được coi là Thượng Đế thì đừng lạc quan tếu mà nghĩ rằng đã là Thượng Đế thì muốn gì cũng được.
Bình luận 0

Trong thực tế, Thượng Đế của EVN chỉ muốn quyền được cấp điện đúng theo hợp đồng, muốn cắt điện phải thông báo trước và thực hiện đúng như thông báo. Nhưng chút quyền tối thiểu ấy cũng thường bị điện lực bỏ qua.

Nghĩa là, đành rằng thiếu điện nếu do khách quan, có thể thông cảm. Nhưng cắt điện không thông báo, cắt điện không đúng với thông báo, làm cho khách hàng, nhất là các doanh nghiệp thiệt hại vẫn xảy ra thường xuyên mà ngành điện lực có vẻ như coi đó là chuyện nhỏ của kẻ độc quyền.

Người dân – khách hàng chỉ còn một quyền duy nhất là kiện, nghĩa là yêu cầu tòa án (pháp luật) phán xử đúng sai bắt bên bán hàng thi hành nghĩa vụ của mình. Ví dụ, theo khoản 2c, điều 11 Nghị định số 68 ngày 15-6-2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, “đơn vị phân phối điện có thể bị phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với hành vi ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo.

Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo theo quy định về trình tự, thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện, đơn vị phân phối điện có thể bị phạt từ 4-5 triệu đồng”. Số tiền phạt này có lẽ chưa đủ nhưng tùy theo tình huống mà tòa án có thể phân xử để người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm phần mình.

Thượng Đế đã biết lên tiếng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ, tiểu thương ở khu Bàu Cát, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM đã phản ảnh với báo chí, hơn một tháng nay bị cúp điện liên tục, gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh phải bồi thường lớn cho các đối tác... Họ cũng đang tính kiện cơ quan cung cấp điện. Và nông dân các tỉnh, thường xuyên bị cắt điện nhiều hơn, liệu đã biết lên tiếng?

Ngành điện có thể viện dẫn nhiều lý do khách quan, bất khả kháng. Nhưng chỉ có tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền xem xét những “lý do khách quan” ấy có thật sự đúng luật hay tùy tiện? Nếu không đúng mà do chủ quan vô trách nhiệm hay vi phạm kỷ luật điều hành hoặc không công bằng, vụ lợi trong cung cấp điện thì họ buộc phải bồi thường cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ưu việt của một xã hội pháp quyền là tinh thần thượng tôn pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật. Đã đến lúc không thể ve vuốt khách hàng bằng hai từ rỗng Thượng Đế!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem