Quyết không bỏ ruộng hoang

Thứ năm, ngày 10/02/2011 15:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối với số diện tích lúa bị chết cần tiến hành bắc mạ sân, mạ khay, mạ che nilon trên ruộng sau khoảng 10 - 15 ngày có thể cấy lại cho kịp thời vụ
Bình luận 0
img
Lúa bị thâm đen thối rữa chết sau đợt rét kéo dài khiến nông dân khốn đốn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến nay tỉnh đã gieo cấy được trên 46.000ha trên 53.500ha lúa đông xuân và 600ha lạc trên 18.729ha. Tuy nhiên, đợt rét đậm rét hại kéo dài trong Tết Nguyên đán đã khiến trên 140ha mạ, 5.600ha lúa bị chết.

Nỗi lo thiếu giống

Theo ghi nhận của NTNN tại xã Đức Hòa (Đức Thọ) vào chiều mùng Một Tết Nguyên đán, nhiều người dân đã phải ra đồng để cấy bổ cứu kịp thời vụ số diện tích lúa bị chết. Chị Lê Thị Hường ở thôn Trung Hòa (Đức Hòa) đang vớt số lúa chết rét nói: "Gia đình tôi vụ này làm 5 sào lúa chiêm xuân, sau hơn một tháng gieo cấy lúa thâm đen và thối rữa.

img Đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã cung ứng 170 tấn giống cây trồng cho các huyện bị thiệt hại kịp thời khắc phục sau đợt rét. img

Ông Lê Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Quá sốt ruột nên chiều Mùng 1 Tết, tôi đã ra đồng bừa cấy lại lúa vụ xuân". Cách ruộng chị Hường không xa, hai mẹ con chị Lê Thị Hiệp cùng ở thôn Trung Hòa đang cố vớt số lúa chết lên bờ để cấy lại. Theo chị Hiệp, tất cả 6 sào lúa chiêm xuân của gia đình đều bị chết sạch phải cấy lại từ đầu.

Ông Lê Xuân Khanh- Chủ nhiệm HTX Trung Hòa (Đức Hòa) cho biết: "Đợt rét đậm rét hại đã khiến 50% diện tích trà lúa xuân muộn và một số lúa xuân trung của xã bị chết phải cấy lại. Hiện nay, HTX Trung Hòa đang triển khai bổ cứu các loại giống lúa mới ngắn ngày để giặm cho kịp thời vụ. Chưa hết, tại HTX Trung Hòa còn 60ha ngô xuân không thể mọc mầm do rét”.

Dân bỏ ruộng, Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm

Để triển khai các giải pháp cấp bách giúp nông dân sớm khôi phục diện tích lúa bị chết, chiều 8-2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp nhằm bổ cứu sản xuất vụ đông xuân sau đợt rét hại vừa qua. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các huyện phải kiểm tra chặt chẽ không để người dân bỏ hoang diện tích, huyện nào để bỏ hoang diện tích, Chủ tịch huyện đó phải chịu trách nhiệm.

Các địa phương nắm chắc tình hình thiệt hại, hướng dẫn bà con tận dụng mạ xuân sớm, xuân trung để cấy, tích cực chăm sóc bảo vệ mạ xuân muộn đã bắc, bắc mạ bổ sung xong trước ngày 10-2, chăm sóc tốt diện tích lúa đã gieo cấy, diện tích còn khả năng phục hồi, gieo trỉa cây trồng cạn đúng lịch thời vụ.

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà- Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cho biết: Sau đợt rét kéo dài, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra cụ thể số diện tích lúa bị chết để chủ động nguồn giống cung cấp cho nông dân gieo cấy trở lại đúng lịch thời vụ.

Theo kỹ sư Hà, bà con tiến hành tỉa giặm, bón phân thúc theo mật độ hợp lý những diện tích lúa bị chết từ 20 - 40%; ruộng chết trên 70% cày bừa gieo cấy lại, những diện tích lúa không chết cần bón thúc để lúa đẻ nhánh, theo dõi chặt chẽ sâu bệnh đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, điều tiết mực nước, duy trì độ ẩm hợp lý. Đối với số diện tích lúa bị chết cần tiến hành bắc mạ sân, mạ khay, mạ che nilon trên ruộng sau khoảng 10 - 15 ngày có thể cấy lại cho kịp thời vụ

Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, trận rét đậm vừa qua đã làm gần 10.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng nặng, trong đó có 2.252ha lúa phải gieo cấy lại. Bà con nông dân Quảng Bình đã khẩn trương gieo cấy lại số diện tích bị hỏng. Công ty Giống cây trồng Quảng Bình chuẩn bị gần 100 tấn các loại giống lúa ngắn ngày để cung ứng cho các địa phương tiến hành gieo lại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem