Lấy Trung Quốc, Thái Lan làm bài học
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng nhiều trung tâm chế biến lớn, thị trường thịt lợn đã phục hồi. Tuy nhiên, dịch bệnh trên gia súc gia cầm nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng đang có diễn biến phức tạp, không chỉ lây lan nhanh ở Trung Quốc, dịch tả lợn còn xuất hiện ở Nhật Bản.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tiến hành tiêu hủy lợn nhập lậu từ Trung Quốc .T.L
Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.
Không những thế, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín, như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc trong tháng 8.2018, cũng có thể đưa virus bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngày 30.8 Bộ NNPTNT đã ban hành công điện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các tỉnh quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi.
Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT cho biết: Trung Quốc đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3km và vùng bảo vệ là 10km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to nhỏ)...
Cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Ảnh: I.T
Nếu nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, cần tiêu hủy 100% đàn lợn
Chuyên gia quốc tế Tổ chức Nông Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) Ken Inui cho biết: Khi bị xâm nhiễm, Tây Ban Nha phải cần tới 35 năm để thanh toán bệnh này. Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất là tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nghi nhiễm bệnh. Virus gây dịch tả lợn châu Phi có thể gây chết 100% lợn nhiễm bệnh, hiện nay chúng ta vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Người chăn nuôi không dùng thức ăn thừa cho đàn lợn, không sử dụng kim tiêm để tiêm cho cả đàn lợn bởi đây là đường lây lan rất lớn. Cần thực hiện biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng, đặc biệt phải thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học.
Ông Ken Inui nhấn mạnh: "Nếu 1 con lợn bị nhiễm bệnh, cần tiêu hủy cả đàn và thực hiện biện pháp giám sát, tiêu độc, khử trùng cả các vùng xung quanh".
|
Nước này cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23.000 địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh. Kết quả, các cơ quan của Trung Quốc đã phát hiện được 120 mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, nước này đã ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc (trừ sản phẩm ruột lợn muối đã qua công đoạn diệt virus dịch tả lợn châu Phi theo quy định của OIE); đồng thời tổ chức kiểm soát chặt hành lý của khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, sử dụng chó để phát hiện...
Phòng trừ dịch là “yết hầu” quan trọng
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, chúng ta cần coi trọng vấn đề phòng sớm, phòng từ xa, ngăn chặn từ xa. Bởi nguy cơ nhiễm dịch bệnh này rất cao, phạm vi ảnh hưởng, mối nguy đưa mầm bệnh vào Việt Nam có rất nhiều đường khác nhau, có thể đến từ lợn sang lợn, từ các loại sản phẩm của lợn sau chế biến đều có thể phát tán dịch bệnh vào Việt Nam.
“Việc phòng trừ ngăn chăn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ NNPTNT mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của người dân” – Bộ trưởng nói.
Đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh và bố trí ngân sách địa phương triển khai nên nhìn chung tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được kiểm soát tốt hơn, hạn chế dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển chăn nuôi bền vững".
Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch, yêu cầu Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan, trước hết cần có thông tin chính xác kịp thời trong đó cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, khi có thông tin cần thông báo kịp thời tới người dân.
Triển khai kiểm tra giám sát tại các chợ, giám sát chặt chẽ việc buôn bán giết mổ tiêu thụ thịt lợn, các sản phẩm của lợn. Thành lập các đoàn công tác thật hiệu quả đi kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu các bộ ngành địa phương liên quan đặt ra mục tiêu kiên quyết không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tránh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp, cũng như thu nhập, đời sống của người dân.
Đề phòng sớm, ngăn chặn từ xa
Chăn nuôi lợn mới hồi phục trở lại được một thời gian ngắn, trong khi đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất (70%) của ngành chăn nuôi. Nếu để xảy ra dịch lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, chúng ta cần coi trọng vấn đề phòng sớm, ngăn chặn từ xa và làm ngay từ bây giờ để ngăn ngừa không cho dịch bệnh lan vào Việt Nam.
Các trại chăn nuôi phải tiến hành cấm trại, thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học cho các trại chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, đặc biệt các trại lớn, những cơ sở sản xuất con giống. Các chương trình có nguy cơ phát tán dịch bệnh vào là phải kiểm tra chặt chẽ, thậm cả các con đường tưởng chừng ít nguy cơ như du lịch...
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Triển khai các chốt chặn 24/24 giờ
Những năm qua, Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm ngăn chăn dịch nguy hiểm từ Trung Quốc, đặc biệt là dịch cúm gia cầm H7N9 và đến nay đã thành công. Trong 8 tháng đầu năm 2018, cơ quan chuyền ngành của tỉnh đã bắt 58 vụ sản phẩm động vật, trong đó có 12 vụ lợn sống với 3.500kg, 600kg sản phẩm lợn nhập lậu. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các điểm chốt chặn 24/24 giờ tại đường mòn lối mở, tại cửa khẩu chính.
Ông Lý Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
Tăng cường chống nhập lậu thịt lợn
Giải pháp hiện nay là phải tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc vào nội địa, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới tại khu vực biên giới. Bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới không có nguồn gốc.
Đối với 3 địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc là TP.Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu, Sở NNPTNT tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ lợn và sản phẩm tự lợn nhập lậu qua biên giới; tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Ông Trần Xuân Đông - Chi Cục trưởng
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh
An Nhiên (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.