Quyết "số phận" 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém ngay trong năm 2023
Quyết "số phận" 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém ngay trong năm 2023
H.Anh
Chủ nhật, ngày 17/12/2023 11:42 AM (GMT+7)
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng bấp bênh, không đều, rủi ro gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế nước ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trước tình hình đó, trong tháng 12/2023 và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy sự linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; kịp thời, bình tĩnh, sáng suốt trong phản ứng chính sách; nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Từ đó, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2023, nhất là những chỉ tiêu ước chưa đạt kế hoạch và tạo đà thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém
Nghị quyết nêu rõ một số nội dung cần chú trọng.
Đó là, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 8.
Đồng thời, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các Luật, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Các bộ, cơ quan, địa phương tích cực chuẩn bị và bảo đảm chất lượng tốt nhất các Luật, Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia;
Phát huy cơ hội từ thị trường trong nước và xuất khẩu trong dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và huy động, phát huy hiệu quả đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Cũng theo Nghị quyết, chính sách tiền tệ phải thực hiện chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp về thuế, phí, thương mại, đầu tư... đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là trong các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các chính sách, giải pháp đã thực hiện, chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, tiếp tục thực hiện trong năm 2024.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương, nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ; tích cực phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ,...
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém.
Về hoạt động xuất khẩu, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có lợi thế cạnh tranh sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa; tăng cường đàm phán, trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến mại, giảm giá, kết nối cung cầu trong nước. Triển khai đồng bộ các giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch, vận tải, xuất nhập cảnh, quản lý thị trường..., đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là một việc"rất khó"
Liên quan đến việc xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là một việc rất là khó. "Nếu ở điều kiện bình thường đã khó rồi nhưng trong cái bối cảnh mà nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như là những biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này lại càng khó hơn thế", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc, việc xây dựng đề án khó, phức tạp và chưa có tiền lệ; trong khi năng lực, kinh nghiệm của cán bộ tham gia xây dựng đề án này còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng rất là khó khăn. Đồng thời, cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu này cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để có một cái sự đồng thuận, thống nhất.
"Tuy nhiên, đối với các ngân hàng này thì chúng tôi cũng đã qua quá trình là xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về chủ trương và cũng đang trong quá trình thực hiện các bước theo cái kế hoạch này để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tổ chức thực hiện theo đúng cái đề án này", Thống đốc cho hay.
Liên quan đến các ngân hàng yếu kém, tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đánh giá: Tình hình tài chính của các ngân hàng này vẫn rất khó khăn, cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.
Đối với các NHTM tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nahf nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.