Ra sông tắm mát

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 09:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng tôi nay lên phường, thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Thời Pháp, làng không có điện. Đêm đêm nhìn sang bến Phà Đen, tâm điểm là ống khói Nhà máy Gạch Thanh Trì, đèn điện sáng quầng lên trời.
Bình luận 0

Trong làng đom đóm lập lòe, chó nhấm nhẳng sủa trăng. Mấy bác tuần phiên ngồi trên chòi gác ở cổng làng thẳng cánh nện trống cầm canh.

Sau hai tiếng trống, đã sang canh hai, bà tôi bắt đầu ngủ. Không ngủ biết làm gì? Muốn khêu ngọn đèn lên đọc kiếm hiệp, sợ tốn dầu. Học bài ư? Cả đời tôi đi học 20 năm, hai trường đại học trong và ngoài nước, toàn học hành láng cháng, không bao giờ chịu "sôi kinh nấu sử".

Bà bác ruột tôi, nếu còn sống bây giờ cũng 120 tuổi. Bà làm cả họ ngạc nhiên, vì ngón chân cái của bà lại vểnh ra ngoài, dấu hiệu của người Giao Chỉ "xịn'. Với hai bàn chân sinh ra chỉ để đi đất của người Việt cổ, để bấm ngón chân cái xuống bờ bãi phù sa, đứng vững, sinh tồn. Cũng may họ nhà tôi có mỗi mình bà có cái gen Giao Chỉ mạnh, nếu không bây giờ già trẻ lớn bé, nhất là các cô chỉ đi dép tông, không xỏ được giầy. Hú vía!

img
Sông Hồng. Ảnh Lê Hữu Thọ

Mùa đông, lúc hoàng hôn lộng gió, từng đàn chim mía ban ngày kiếm ăn lang thang ở đâu, tối về bờ lau ngủ đỗ. Gió bấc nghiêng ngả ngọn lau, lũ chim bé xíu như chim ri lại giật mình bay lên. Đúng lúc đó những người săn chim dùng vợt quạt ngang một đường. Lũ chim mía mệt mỏi đành mắc cứng trong vợt, sáng mai được bán từng xâu ở chợ làng. Bạn đã bao giờ như 6 thằng chúng tôi chia nhau một con chim mía nướng ngoài bãi sông Hồng chưa? Đó chỉ là bữa tiệc tượng trưng của đồng bãi để một thời nhớ mãi miếng thịt chim bằng móng tay, vừa thơm, vừa tanh, vừa nhạt hoét không muối.

Ngoài cỗ thịt chim chúng tôi còn có món bánh phù sa. Sử sách chưa hề nói tới loại bánh này. Chỉ có dân bãi sông mới biết cách tìm ra lớp đất có bánh. Giữa các lớp phù sa lắng đọng, bửa ra nhìn như loại bánh 7 tầng. Chỉ có một tầng trong hơn, khẽ tách các tầng ra, mang tầng bánh ra phơi rồi chúng tôi cởi truồng lao xuống sông. Lúc lên bờ bánh đã se se, bỏ vào mồm phù sa tan ra man mát. Chỉ cần vận trí tưởng tượng ra trong miệng có đường, thế là thành bánh đậu xanh bà Hanh Tạ ở Nam Định, nổi tiếng trong thơ cụ Tú Xương.

Tôi rời làng ra tỉnh rồi phiêu bạt lên mạn ngược, vào miền Trung, có cả nhiều năm đi Tây. Đã thấy nhiều các con sông lừng danh trên thế giới. Nhưng tôi chẳng có chuyện gì để nói về những dòng sông không phải của mình. Chỉ có sông Hồng quê tôi, hễ cứ nghĩ lại thấy dạt dào kỷ niệm. Nhớ nhất mùa khô năm ngoái, từ trên cầu Long Biên nhìn xuống, chưa bao giờ thấy sông Cái cạn khô, trơ đáy, phô bày hết vẻ thảm hại của lòng sông đầy các loại chất thải như vậy. Sau đó có dịp đi ca nô qua cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng hòa vào biển Đông. Bác lái tàu nổ máy chầm chậm, thỉnh thoảng lại thăm dò độ sâu, lòng sông bồi đắp, cạn lắm rồi!

LHQ có một tổ chức tên gọi: "Nước". Tổ chức Nước có nhận định: Dù sông trên thượng nguồn hay hạ lưu, tất cả chúng ta đều trên một con thuyền. Khẩu hiệu của tổ chức Nước là: Chia đều nước, chia đều cơ hội. Nếu không "chia đều" tất cả các dòng sông sẽ bị khai thác cạn kiệt những đập nước là nguồn lợi của thượng nguồn sẽ là "thủy hại" cho người hạ lưu.

Ngày bé tôi đi đò qua sông Hồng sang Hà Nội chơi, ra Bờ Hồ ăn kem 2 màu, xem Tây duyệt binh ngày "cắt tóc phi dê" (14-7), chiều lại theo các bà bán ngô qua đò về làng. Tới cổng làng hoàng hôn đã xuống, nhìn lại bãi ngô và dòng sông đang chìm dần vào bóng tối, bụng đói meo lao ngay vào mâm cơm. Bữa cơm đồng bãi bao giờ cũng độn ngô, ăn sậm sựt mà sao nhớ cả đời không hết nhớ...

img
Ảnh Lê Hữu Thọ

Nước sông Hồng về mùa lũ có màu đỏ - hồng do phù sa mà nó mang theo. Lượng phù sa của sông Hồng trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm, tức là gần 1,5 kg phù sa/1m3 nước.

Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định...

Tuy nhiên, do lượng phù sa lớn nên lòng sông luôn bị lấp đầy khiến cho lũ lụt thường xuyên xảy ra. (Hồ Thường)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem