Ra trường không xin được việc, cặp vợ chồng về quê làm nương rẫy, mở lớp học miễn phí

Hoàng Lộc Thứ năm, ngày 20/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Học chuyên ngành Sư phạm nhưng không xin được việc, vợ chồng anh A Kâm (xã Đắk Rơ Wa, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã mở một lớp học miễn phí tại nhà và dạy cho hàng trăm đứa trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số trong làng.
Bình luận 0

Mua bánh kẹo để "dụ" học sinh đến lớp

Men theo con đường lổm chổm đất đá ở làng Kon Kơ Tu (xã Đắk Rơ Wa, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh A Kâm.

Ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe được tiếng đọc bài ê a của những đứa trẻ. Phía bên trong, lớp học khoảng gần 50 học sinh được chia thành 2 phía. Anh A Kâm và vợ mỗi người dạy 1 bên.

Ra trường nhưng không xin được việc, vợ chồng phố núi về mở lớp học miễn phí - Ảnh 1.

Lớp đông học sinh nên vợ chồng anh A Kâm phải chia thành 2 phía. Mỗi người phụ trách một bên. Ảnh: H.L

Sau khi hướng dẫn cho các em làm bài tập xong, anh Kâm mới có thời gian để tâm sự với chúng tôi. Anh kể, năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh ở Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, anh kết hôn với chị Y Thoang, học cùng trường cũng tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non. Tuy nhiên, do không xin được việc nên hai vợ chồng về nhà làm nương rẫy để kiếm sống.

Trong một lần, thấy những đứa trẻ trong làng mải mê chơi đùa mà chẳng quan tâm gì đến việc học, anh Kâm đã bàn với vợ mở ra lớp học để dạy miễn phí cho các em với mong muốn bồi dưỡng và hỗ trợ thêm kiến thức cho các em.

"Sau đó, mình đã đi gõ cửa từng nhà, đến vận động từng gia đình để cho con em đến lớp học của mình. Nhưng bố mẹ các em lại thờ ơ, họ không để ý đến việc học của con mình như thế nào. Mình cũng có đi thuyết phục những đứa trẻ nhưng chúng không hứng thú với việc học. Việc vận động các em đến lớp hết sức khó khăn", anh Kâm tâm sự.

Ra trường nhưng không xin được việc, vợ chồng phố núi về mở lớp học miễn phí - Ảnh 2.

Anh A Kâm tâm sự rằng, vợ chồng anh đã phải mua bánh kẹo để dụ học sinh đến lớp. Ảnh: H.L

Chị Y Toang tiếp lời: "Tuy nhiên vợ chồng mình không chịu bỏ cuộc. Mình đã bàn với chồng mua bánh kẹo để dụ tụi trẻ đến lớp. Vậy là hôm sau, chờ đám trẻ đi học về, hai vợ chồng đến từng nhà rủ các em đi học, với lời hứa nếu em nào đi học thì sẽ được thưởng bánh kẹo. Lũ trẻ rất thích thú và tìm đến nhà mình để theo học nhiều hơn".

8 năm kiên trì dạy học miễn phí

Lớp học bắt đầu từ thứ hai đến thứ sáu, các môn học chủ yếu là toán và tiếng Việt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Do ban ngày 2 vợ chồng anh Kâm phải đi làm rẫy nên họ chỉ tranh thủ dạy học từ khoảng 17h30 đến 19h. Ngoài ra, vợ chồng anh còn dạy Tiếng Anh giao tiếp cho những đứa trẻ ở trong làng với mong muốn các em sau này tham gia phát triển du lịch tại địa phương.

Ra trường nhưng không xin được việc, vợ chồng phố núi về mở lớp học miễn phí - Ảnh 3.

Lớp học của anh A Kâm bắt đầu từ thứ hai đến thứ 6 vào lúc 17h30 đến 19h. Ảnh: H.L

Nói về những ngày đầu mở lớp học, anh Kâm kể: "Hồi đó lớp học của vợ chồng mình thiếu thốn lắm, không có bảng, chỉ vài ba bộ bàn ghế nhựa nên học trò ngồi xúm lại rất chật chội. Với lại diện tích nhà quá nhỏ nên mình phải chuyển ra ngoài sân ngồi dạy.

Sau này khi có điều kiện hơn, mình mua sắm nhiều bàn ghế gỗ, bảng để dạy học. Hai vợ chồng mình cũng phân loại các em theo lớp. Rồi mình bố trí mỗi lớp một khu vực dạy riêng để dạy học theo chương trình phù hợp với trình độ của các em".

Sau gần 8 năm mở lớp, đến nay lớp học của vợ chồng anh A Kâm đã có gần 500 em học sinh tham gia.

Ra trường nhưng không xin được việc, vợ chồng phố núi về mở lớp học miễn phí - Ảnh 4.

Chị Y Thoang phụ giúp chồng dạy học. Ảnh: H.L

Mặc dù công việc dạy có vất vả nhưng niềm hạnh phúc với vợ chồng anh A Kâm là các em dần ý thức hơn với việc học và chất lượng học tập của các em được cải thiện. Nhiều em học sinh nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc.

"Tôi cũng mong muốn rằng, các em có được cái chữ, học tập tốt để sau này có được công việc ổn định, đóng góp vào sự phát triển của quê hương", anh Kâm chia sẻ.

Em Y Nao, học sinh lớp 5 trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa cho biết, em theo học tại lớp của thầy A Kâm được gần 5 năm nay. "Thầy rất hiền và giảng bài dễ hiểu. Ở trên lớp có bài tập nào khó em đều về nhờ thầy giúp đỡ. Nhờ vậy mà từ lớp 1 đến lớp 4 em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Thỉnh thoảng ở lớp, thầy Kâm và cô Thoang còn nấu ăn cho chúng em ăn nữa, đồ ăn rất ngon. Em biết ơn thầy Kâm và cô Thoang rất nhiều", em Nao chia sẻ.

Anh A Kâm còn nhớ mãi một ngày mà sau khi các em đến lớp học, một học sinh nói: "Thầy ơi, trưởng thôn có việc kêu thầy sang nhà gấp kìa". Nhưng khi anh đến nhà thì chẳng thấy trưởng thôn nhờ việc gì cả, anh ngồi tâm sự vài câu rồi về nhà.

"Khi về mình về đến nhà, đèn điện tối om, chả thấy học trò đâu. Mình vào cửa, bóng đèn vụt sáng. Lũ trẻ mang chiếc bánh kem ra rồi đồng thanh bài chúc mừng sinh nhật. Lúc đó mình thực sự bất ngờ và hạnh phúc. Lũ trẻ góp tiền lại mua bánh kem rồi lừa mình đến nhà trưởng thôn để tổ chức sinh nhật. Mình cũng cho nghỉ học buổi hôm đó để tổ chức tiệc sinh nhật", anh Kâm nhớ lại.

Rồi anh kể tiếp: "Trong dịp 20/11 năm ngoái, các em học sinh còn rủ nhau lên rừng hái hoa dại rồi mang đến tặng cho thầy cô nữa. Sau mấy năm giảng dạy, đây là lần đầu tiên mình nhận được món quà đặc biệt như vậy đó. Hai vợ chồng mình càng thấy vui và đó cũng là động lực để vợ chồng mình duy trì lớp học ngày càng phát triển hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem