Rắc rối việc xử lý vụ mua bán 400.000 USD

Thứ hai, ngày 14/03/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vấn đề xử lý vụ bắt giữ gần 400.000USD tại Hà Nội mới đây như thế nào đang gây sự chú ý đặc biệt trong công luận.
Bình luận 0

Dân Việt ghi nhận ý kiến của thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ông Cao Sĩ Kiêm và luật sư Trần Vũ Hải - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội.

Trong vụ gần 400.000 USD mới bị bắt gần đây, liệu số tiền đồng dùng để mua, và 400 nghìn USD dùng để bán sẽ được xử lý như thế nào?

img
Ảnh minh họa

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Tôi cho rằng trong trường hợp này tùy thuộc vào kết luận của cơ quan kiểm tra kết luận như thế nào. Nếu là kinh doanh trái phép thì chắc chắn sẽ tịch thu. Nếu chỉ là vi phạm quy định trong phạm vi nghiệp vụ ngân hàng sẽ chỉ phạt hành chính, số tiền có thể tương đương 50 - 70 triệu đồng.

Dù là USD, hay vàng, hay tiền VND đều là tài sản thuộc quyền sở hữu của người dân, liệu có công bằng khi người dân chỉ được bán cho các tổ chức tín dụng theo quy định của Nhà nước?

- Đúng là tài sản sở hữu của người dân. Tuy nhiên, trong Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cũng như trong Pháp lệnh quản lý ngoại hối đã quy định rõ, các cơ sở thu đổi ngoại tệ chỉ được cấp phép để mua ngoại tệ từ thị trường rồi bán lại cho ngân hàng nên việc bán ngoại tệ ra ngoài là trái với quy định của pháp luật. Nên nếu các cơ quan trong quá trình kiểm tra kết luận đây là trái với quy định thì chắc chắn họ sẽ tịch thu.

Hành vi kinh doanh ngoại tệ là vi phạm hành chính, hay hình sự thưa ông? Và từ trước đến nay, chúng ta thường xử lý vụ này như thế nào?

- Từ trước đến nay chưa có vụ việc nào xử lý rõ, do mình chưa quản lý chặt chẽ, những quy định có trong luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Luật không có gì thay đổi. Chỉ có điều bây giờ bắt đầu làm chặt hơn thôi.

Về mặt pháp lý, liệu số ngoại tệ gần 400 nghìn USD buôn bán bất hợp pháp liệu có bị tịch thu, thưa luật sư?

- Luật sư Trần Vũ Hải: Tại điều 18, khoản 3 Nghị định 202 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ban hành 2004 thì các hành vi mua bán, cho vay, thanh toán bằng ngoại tệ bị xử phạt từ 5-12 triệu đồng.

img Số ngoại tệ gần 400.000USD không thể bị tịch thu bởi luật chỉ có chế tài tịch thu trong các trường hợp vận chuyển trái phép qua biên giới. img

Đặc biệt, không có quy định tịch thu ngoại hối. Trong trường hợp này, số ngoại tệ gần 400 nghìn USD không thể bị tịch thu bởi luật chỉ có chế tài tịch thu trong các trường hợp vận chuyển trái phép qua biên giới.

Vụ này, đơn thuần chỉ là một vụ vi phạm hành chính mà người nắm giữ số ngoại tệ, dù 400 nghìn hay 4 triệu USD thậm chí không cần chứng minh nguồn gốc số ngoại tệ, đồng thời là tài sản của họ. Căn cứ theo các quy định của pháp luật, hai bên mua bán sẽ chỉ bị phạt từ 5-12 triệu đồng. Và ngoại tệ phải được trả lại, trả lại ngay khi đã xác định được giao dịch là vô hiệu.

Một hướng xử lý khác đã được nói tới: Xử phạt hành chính và buộc người có ngoại tệ phải bán cho ngân hàng, hoặc khả năng bị tịch thu, theo ông, điều này có hợp pháp?

- Luật sư Trần Vũ Hải: Quyền nắm giữ ngoại tệ của công dân là quyền mà pháp luật đã thừa nhận, vì vậy không thể tịch thu của người dân. Bởi muốn tịch thu, cơ quan chức năng- chứ không phải người nắm giữ ngoại tệ- phải chứng minh được số ngoại tệ đó là bất hợp pháp và bất hợp pháp như thế nào.

Cũng không thể bắt buộc họ phải bán lại số ngoại tệ đó cho ngân hàng. Thậm chí, ngay cả việc muốn mức xử phạt cao hơn thì cũng phải theo quy định của pháp luật chứ không thể tuỳ tiện đặt ra một mức phạt bất kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem