“Rất nhiều báo động đỏ”!

Thứ tư, ngày 19/12/2012 09:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 18.12, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về “Chính sách hỗ trợ kinh tế - xã hội đối với các dân tộc rất ít người (DTRIN): Thực trạng và giải pháp cho giai đoạn 2013-2020”.
Bình luận 0

Xem xét thực trạng của 16 DTRIN, Chủ tịch HĐDT Ksor Phước đã phải cảnh báo: “Rất nhiều báo động đỏ”!

Có một điểm đáng chú ý là giữa báo cáo của Chính phủ và Quốc hội có sự vênh nhau về dân số của 16 DTRIN cũng như sự khác nhau trong việc xác định DTRIN, dù đều dựa vào tiêu chí chung xác định DTRIN là những dân tộc có dân số dưới 1 vạn người.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, nước ta hiện có 16 DTRIN với tổng dân số là 54.081 người, gồm các dân tộc: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo (dưới 1.000 người/dân tộc); Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái (dưới 5.000 người); Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha (dưới 8.000 người) và La Hủ (dưới 1 vạn người). Trong khi đó, theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tổng số dân của 16 DTRIN là 62.270, và không có dân tộc Ngái, thay vào đó là dân tộc Phù Lá.

img
Một gia đình người Rục (nhóm người Chứt) tại nhà nương ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/năm

Ngoại trừ sự khác biệt nói trên thì hầu như 2 báo cáo đều cùng chỉ ra những nét cơ bản nhất trong thực trạng đời sống của các DTRIN, có thể gói gọn trong ba chữ “rất khó khăn”; hay nói như Chủ tịch HĐDT Ksor Phước là “rất nhiều báo động đỏ”: Đó là những vấn đề cơ bản như đời sống khó khăn; dân trí thấp; chất lượng dân số thấp; cơ sở hạ tầng kém…

Có thể dẫn chứng một con số trong báo cáo của HĐDT để thấy rõ điều này: Thu nhập bình quân đầu người của 16 DTRIN là 2,171 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo rất cao: 54,2% (riêng dân tộc Chứt tỷ lệ này là 80%). Tổng số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp chiếm tới 40%, số thôn bản chưa có điện chiếm 73%... Nhưng đây là những con số còn đo đếm được. Nguy hiểm hơn, có những lĩnh vực không thể đo đếm được cũng đang trong tình trạng “báo động đỏ” như bản sắc văn hóa truyền thống (ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trang phục…) đang dần bị mai một, giao thoa, xâm thực bởi các dân tộc đông người hơn, thậm chí là biến mất…

Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Chu Lê Chinh phát biểu đầy lo âu: “Chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước không phải một vài năm qua mới có mà đã xuyên suốt từ nhiều năm qua. Vậy mà cả một thời gian dài vẫn để các dân tộc này ở trình độ như vậy”. Ông Chinh cũng nêu thực trạng, nhiều dân tộc có nguy cơ xóa sổ như dân tộc Ngái, trong 10 năm giảm đi hơn 2.000 dân. Dân tộc Rơ Măm, Brâu đều giảm dân số, trong khi người Kinh trong vòng 10 năm đã tăng thêm 7 triệu người. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử bổ sung thêm: Người Ơ Đu (ở Tương Dương, Nghệ An) chỉ có 371 khẩu và mấy năm vừa rồi chỉ tăng thêm 2 người. Nếu không có chính sách kịp thời thì sớm muộn dân tộc này cũng sẽ bị xóa tên.

Nỗi lo “mũ cối, giày ba ta”

Là thành viên Chính phủ đầu tiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại cho rằng việc một số dân tộc có dân số giảm là không đúng mà nguyên nhân có thể do Tổng cục Thống kê sai sót trong phân loại, thống kê. Bộ trưởng Tiến dẫn chứng: “Tỷ suất sinh thô của các DTRIN đều tăng, hơn nữa lại không bị hạn chế về kế hoạch hóa gia đình”.

Về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết và tuổi thọ, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ tử vong của mẹ/100.000 trẻ đẻ sống và tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi/100.000 trẻ đẻ sống của các DTRIN đều cao gấp 2 – 3 lần so với dân tộc Kinh. Bà Tiến cho biết, Bộ Y tế đã có chương trình riêng về sàng lọc sơ sinh và can thiệp nhằm giảm tối đa các bệnh do cận huyết thống, bệnh máu, dẫn đến trí tuệ suy giảm ở DTRIN.

Về sự mai một bản sắc của của một số DTRIN, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng: Trong hội diễn trang phục 54 dân tộc, có dân tộc không có trang phục riêng nên phải “đội mũ cối, đi giày ba ta”. Hoặc như dân tộc Ơ Đu bị mất ngôn ngữ nên phải dùng tiếng dân tộc Thái. “Đây thực sự là vấn đề nan giải, phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều người” - Bộ trưởng đề nghị.

Về đào tạo cử tuyển, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã có Quyết định 1544 về đào tạo cử tuyển, yêu cầu các trường ĐH - CĐ về y dược trong toàn quốc, đối với con em DTRIN chỉ xét tuyển vào học, không phải thi.

Ngoài ra, với Chương trình “Cô đỡ thôn bản”, Bộ cũng đang đề nghị Chính phủ tăng phụ cấp cho ngang bằng với cán bộ y tế thôn. “Sắp tới sẽ triển khai thí điểm chương trình bác sĩ tốt nghiệp khá giỏi về 63 huyện nghèo. Họ sẽ được cấp chứng chỉ Chuyên khoa 1, lương có thể tới 10 triệu đồng. Hiện đã có 100 bác sĩ đăng ký rồi” - bà Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cho hay, Bộ đã triển khai Quyết định 1270 của Thủ tướng về bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc thiểu số ít người, thực hiện Chương trình mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2005 – 2010... Trước nguy cơ bị “xóa sổ” của các DTRIN, đặc biệt là 5 dân tộc còn dưới 1.000 người, Bộ trưởng chia sẻ hết sức trăn trở với vấn đề này và cho biết “sẽ hành động mạnh hơn, quyết liệt hơn nữa” và mong “các địa phương cùng cộng lực”.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Về việc tạo nguồn cán bộ cho DTRIN, từ 2007 – 2008, Bộ đã chủ động làm việc với các địa phương dể đưa con em DTRIN về cơ sở của Bộ để nuôi dạy từ bé. “Đến nay đã có 115 cháu học sinh thuộc các dân tộc Si La, Mảng, Lự, Pà Thẻn, Cống về học ở Trường vùng cao Việt Bắc. Tốt nghiệp THPT, 90% các cháu vào được ĐH - CĐ, trong đó 10% là đỗ thẳng. Chỉ còn 2 dân tộc chưa có cháu nào vào ĐH - CĐ và Bộ đang phải đi “tìm nguồn” - Bộ trưởng Luận cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem