Xây dựng nông nghiệp hữu cơ nhìn từ bài học VietGAP

Thứ tư, ngày 11/05/2016 11:48 AM (GMT+7)
E ngại thực phẩm bẩn vì lạm dụng quá nhiều hóa chất, nhiều người chuyển sang tìm kiếm thực phẩm hữu cơ – một sản phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất.
Bình luận 0

Cầu kéo theo cung, nhiều vườn rau, cửa hàng hữu cơ ra đời, nhưng làm sao đảm bảo nguồn cung đúng thật là hữu cơ, hay nói cách khác, làm sao để xây dựng niềm tin vào thực phẩm hữu cơ là một bài toán khó mà chúng ta đang đối mặt.

Vậy giải bài toàn này như thế nào? TBKTSG Online trao đổi cùng Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng, một trong những người góp phần cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNN) xây dựng VietGAP từ năm 2008.

img

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thưa ông, hiện nay đa số người tiêu dùng tìm đến các cửa hàng thực phẩm hữu cơ qua sự giới thiệu từ những người thân quen. Nói cách khác, họ mua sản phẩm dựa vào niềm tin. Nhưng chỉ với niềm tin thì làm sao có thể phát triển được nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) chuyên nghiệp?

- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng: Để phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách chuyên nghiệp, tránh tự phát, Bộ NN & PTNN cần ban hành và phổ biến những qui trình, tiêu chuẩn rõ ràng hướng dẫn người nông dân sản xuất. Trước tiên cần làm rõ định nghĩa và minh bạch các tiêu chuẩn. Từ những tiêu chuẩn đề ra, nếu đáp ứng, sẽ có các tổ chức độc lập cấp chứng nhận hữu cơ cho người tham gia sản xuất.

Việc xây dựng các qui trình, tiêu chuẩn cho việc sản xuất và cấp chứng nhận không khó vì thế giới đã có và chúng ta có thể học hỏi để áp dụng và hội nhập. Cần lưu ý rằng nông nghiệp hữu cơ ngày nay rất khác và rất khó so với nông nghiệp hữu cơ tự nhiên thời ông bà. Đó không chỉ là làm nông không hóa chất; đó là câu chuyện phải tuân thủ bốn nguyên tắc:

1/ Sức khỏe: Nông nghiệp hữu cơ phải duy trì và tăng cường sức khỏe của đất, thực vật, động vật, con người và hành tinh chúng ta;

2/ Sinh thái: Nông nghiệp hữu cơ phải dựa trên hệ sinh thái và các chu trình sinh vật sống, cùng làm việc, đồng đẳng và giúp nhau tồn tại;

3/ Công bằng: Nông nghiệp hữu cơ phải xây dựng dựa trên các mối quan hệ để đảm bảo sự công bằng đối với môi trường chung và cơ hội được sống;

Và cuối cùng là 4/ Quan tâm, chăm sóc: Nông nghiệp hữu cơ phải được quản lý một cách thận trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe, môi trường, và phúc lợi cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Chúng ta đã có VietGAP nhưng không nhiều người tin vào chứng nhận này. Làm sao tránh trường hợp tương tự cho chứng nhận hữu cơ, nếu có?

- Đầu tiên, cần nói rõ rằng VietGAP là một qui trình sản xuất nông nghiệp tốt. Người tiêu dùng không tin vào VietGAP không phải do tiêu chuẩn này mà xuất phát từ chuyện cấp giấy chứng nhận và việc kiểm tra, quản lý đã không được tổ chức và thực hiện nghiêm túc.

Để tránh trường hợp tương tự, những tổ chức được quyền cấp giấy chứng nhận hữu cơ – dĩ nhiên dưới sự cho phép của Bộ NN & PTNN hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn – phải hoàn toàn độc lập với Bộ NN & PTNN cũng như các cơ quan Nhà nước để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Điều Nhà nước cần làm là tạo hành lang pháp lý vừa thông thoáng vừa chặt chẽ để các tổ chức này hình thành và phát triển. Thông thoáng trong việc đăng ký, hoạt động kinh doạnh và chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm tra. Các tổ chức này hoạt động theo cơ chế thị trường và tự khắc họ biết xây dựng uy tín cho chứng nhận của mình; qua đó xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng.

Khác với nông sản thông thường, người tiêu dùng mua sản phẩm hữu cơ bằng niềm tin ở thương hiệu. Thương hiệu không giữ uy tín qua các khâu kiểm tra nghiêm khắc, chứng nhận minh bạch … thì người tiêu dùng sẽ không mua.

Nông nghiệp hữu cơ Úc phát triển tốt một phần nhờ có những đơn vị chứng nhận uy tín hoạt động hoàn toàn độc lập với Nhà nước.

Chừng nào còn cơ chế xin cho, còn tiêu cực trong kiểm tra giám sát thì rất khó mong sẽ giải quyết triệt để vấn đề an toàn thực phẩm.

Xin kể một câu chuyện ít nhiều có liên quan thời tôi còn làm cho Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (ở Úc, mỗi bang có một Bộ Nông nghiệp). Khi chúng tôi muốn khảo nghiệm trên diện rộng một giống cà chua mới lai tạo, phải xin phép nông dân để sử dụng đất của họ. Lượng cà chua thu hoạch xong là của nông dân. Trong quá trình khảo nghiệm, mình như một người làm thuê thực sự, cơm nước tự lo, làm gì cũng phải xin phép rõ ràng. Chỉ cần nông dân gọi điện đến Bộ Nông nghiệp phàn nàn là chúng tôi có nguy cơ mất việc ngay. Mà lương chuyên viên thì gấp 2 – 3 lần mức lương trung bình của nước Úc, đủ nuôi sống gia đình, do vậy chúng tôi cực kỳ sợ mất việc. Đối với nông dân, chúng tôi và nói rộng ra là Nhà nước Úc hỗ trợ và phục vụ chứ không phải quản lý, không có chuyện “xin-cho”.

Trong một phát biểu gần đây về nông nghiệp hữu cơ, ông cho rằng nên khuyến khích nhưng tránh thái quá. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Làm nông nghiệp hữu cơ thì cũng là làm kinh tế chứ chẳng phải làm chơi lấy tiếng. Đã làm kinh tế thì cần quan tâm đến thị trường. Không có cầu từ thị trường hoặc có nhưng người sản xuất không chạm đến được thì cũng hỏng.

Bảy năm sau khi ban hành quy trình VietGAP cho rau quả, cho đến tháng 2 năm 2015, với diện tích 1 triệu héc ta trồng rau (trong đó có 120.000 héc ta chuyên canh), chỉ có 31.600 héc ta sản xuất rau theo hướng VietGAP hoặc các GAP khác, chiếm 3,16% diện tích trồng rau cả nước. Về quả, đã có 6.633 ha có chứng nhận VietGAP hoặc các GAP khác trong số 843.700 ha, chiếm 0,78% diện tích trồng cây ăn trái cả nước. Như vậy có thể nói VietGAP tuy có đạt một số thành quả nhất định, nhưng không mở rộng được, ngoài lý do niềm tin, còn có cả yếu tố cầu từ thị trường.

Tôi lấy ví dụ như ở Úc, người tiêu dùng ít có nhu cầu, hoặc không khao khát dùng sản phẩm hữu cơ. Lý do là vì thứ nhất, sản phẩm bình thường của họ đã là an toàn rồi. Thứ hai, giá thực phẩm hữu cơ đắt gấp 3 – 4 lần sản phẩm bình thường. Đối tượng dùng thực phẩm hữu cơ là thành phần thường quan tâm đến sức khỏe như phụ nữ, hoặc những người dễ dị ứng với hóa chất. Vì vậy cho nên thị trường hữu cơ không lớn. 

Nhưng ở Việt Nam vì chúng ta đang đối mặt với vấn nạn thực phẩm bẩn. Chính điều này làm cho người Việt phát sốt với nông nghiệp hữu cơ để tìm kiếm sự an toàn và an tâm. Và theo tôi, đây cũng sẽ là xu thế của thế giới cho nên Úc – với chính sách nông nghiệp dành cho xuất khẩu - đã phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ, trở thành một nước có diện tích hữu cơ lớn nhất thế giới.

Về mặt vĩ mô toàn cầu, thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng và đem lại nhiều cơ hội. Nhưng khách quan nhìn nhận thì thị phần của thực phẩm hữu cơ vẫn chiếm giá trị rất nhỏ. Tổng giá trị của thị trường hữu cơ thế giới ước đạt 63 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012 (Theo Australian Organic Market Report). So sánh một cách tương đối, con số này chiếm chưa đến 5% thị trường nông sản chính thống với 1.362 tỉ đô la Mỹ năm 2010 (Theo faostat.org).

Trong rổ hàng hóa thực phẩm hữu cơ, có phải gạo và rau được chuộng và chiếm doanh thu cao? Không hẳn vậy. Tại Úc, ưu tiên hàng đầu là thịt bò hữu cơ, có trị giá nông trại (farm gate value) khoảng 73 triệu đô la Úc, tiếp đến là trái cây, kế là rau củ quả, sữa, thịt cừu, thịt gà. Ngũ cốc như lúa mì, gạo, hạt lấy dầu … nằm trong nhóm có doanh thu thấp, chỉ khoảng 17 triệu đô la Úc. Để có sản phẩm bò hữu cơ thì thức ăn đầu vào của bò là bắp và đậu nành cũng phải là hữu cơ. Đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Làm nông nghiệp hữu cơ thời hội nhập, nhất thiết phải chú ý các yếu tố vĩ mô và chuỗi giá trị nêu trên.

Về mặt chính sách khuyến khích (nếu có), tôi cho rằng làm gì cũng phải tính đến yếu tố bền vững, tránh hiện tượng có khuyến khích, hỗ trợ thì làm, không thì lại thôi như một số trường hợp đã qua.

Như đã nói ở trên, sản phẩm hữu cơ là thương hiệu, là uy tín. Việt Nam phải hết sức giữ gìn mác “hữu cơ Việt Nam” thì mới phát triển tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, và dĩ nhiên đó mới là bước phát triển bền vững của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Đức Tâm (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem