Rau củ Việt Nam trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẵn sàng ra chợ tết

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 26/01/2024 13:38 PM (GMT+7)
Mới đây, đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đã đi kiểm tra, đánh giá một số mô hình sản xuất an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
Bình luận 0

Trồng rau theo tiêu chuẩn Nhật Bản

Tại mô hình trồng rau VietGAP ở xã Lãng Ngăm, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), ông Phan Duy Phượng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc cho biết, bằng hình thức liên kết với nông dân, HTX đưa vào trồng nhiều giống mới có giá trị như bắp cải, ớt, nghệ, củ cải… và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết với giá ổn định.

"HTX đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với quy mô 30ha, sản lượng 210 tấn/năm. Trên 80% diện tích đã được doanh nghiệp cam kết thu mua, cung ứng cho các siêu thị tại TP.Hà Nội với giá cao hơn 10 - 20% nên nông dân càng thêm quyết tâm sản xuất theo hướng an toàn" - ông Phượng chia sẻ.

Rau củ Việt Nam trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẵn sàng  ra chợ tết- Ảnh 1.

Đoàn công tác của Trung tâm KNQG kiểm tra, đánh giá mô hình trồng rau, củ an toàn tại HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Ảnh: Minh Ngọc

Ông Naoki Kayano - chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, tham gia dự án, các HTX sẽ được hỗ trợ thực hiện đào tạo toàn diện về kỹ thuật canh tác dựa trên GAP; được hướng dẫn phương pháp tiếp thị, khảo sát nhu cầu thị trường của các HTX nông nghiệp mục tiêu, xây dựng kế hoạch canh tác và xây dựng hệ thống bán hàng tập trung. Vì vậy, thay vì sản xuất manh mún và tiêu thụ nhỏ lẻ, dự án hướng nông dân tham gia vào HTX để làm những sản phẩm cùng chủng loại, cùng chất lượng để bước vào chuỗi tiêu thụ lớn, ổn định, bền vững.

Ông Phượng cho hay, năm 2023, HTX được tham gia Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn ở tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Trung tâm KNQG thực hiện. Theo đó, vùng sản xuất rau màu của HTX được quy hoạch khang trang sạch sẽ, cánh đồng rộng lớn và bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, các điều kiện cơ sở vật chất như: Hệ thống tưới tự động, bãi đỗ xe, kho lạnh bảo quản nông sản… được nâng cấp, đáp ứng tốt cho sản xuất.

Đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc có thể cung ứng khối lượng rau, củ quả an toàn cho các bếp ăn, siêu thị, công ty... với khối lượng 15 tấn/tháng, sản phẩm đa dạng. Đặc biệt, có thể cung cấp nhiều chủng loại rau màu theo mùa vụ cam kết đảm bảo sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, HTX đã sẵn sàng nguồn hàng lên tới 200 tấn cam Canh, gần 300 tấn rau, củ, quả các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…

Tại HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng ở xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, Hải Dương, ông Nguyễn Văn Thuấn - Giám đốc HTX cho hay, tổng diện tích canh tác 30ha thanh long ruột đỏ và liên kết với nông dân hơn 60ha. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm các loại cây như nho hạ đen, nho mẫu đơn, dưa chuột…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm 2020, thanh long của HTX được tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng trong nông nghiệp Việt Nam. Vùng sản xuất của HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Dương cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn.

Rau củ Việt Nam trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẵn sàng  ra chợ tết- Ảnh 2.

Đoàn công tác của Trung tâm KNQG kiểm tra, đánh giá mô hình trồng rau, củ an toàn tại HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Ảnh: Minh Ngọc

Theo ông Thuấn, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3 mã vùng trồng cho 10ha thanh long ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng xuất khẩu đi Australia, Mỹ và Trung Quốc. "Việc được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu là tín hiệu vui cho người trồng thanh long Hải Dương, mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cho loại cây ăn quả này trong thời gian tới" - ông Thuấn chia sẻ, đồng thời cho biết, tính đến nay, HTX có 60ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó gần 12ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Rau, củ sạch ra chợ tết

Qua kiểm tra, đánh giá các mô hình tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Giám đốc Trung tâm KNQG - Lê Quốc Thanh cho hay, kỹ thuật sản xuất luôn là mục tiêu của khuyến nông nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu của thị trường ngày càng cao thì cùng với vấn đề kỹ thuật, việc hướng nông dân tới vấn đề thị trường, sản xuất bền vững và cam kết trách nhiệm với sản phẩm làm ra chính là mục tiêu lâu dài.

"Hiện chúng tôi liên tục tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo, tập huấn để nông dân đưa các sản phẩm an toàn ra thị trường, không chỉ trong dịp tết này. Tới đây chúng tôi sẽ chọn thêm 50 HTX nữa để tiếp tục mở rộng mô hình các HTX sản xuất an toàn. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn chỉ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần, mà muốn sản xuất bền vững thì cùng với kỹ thuật, cần phải hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất thông qua việc tham gia vào HTX. Bà con phải cùng nhau sản xuất, cùng nhau bán hàng, cùng nhau tổ chức kênh tiêu thụ, cùng nhau xây dựng thương hiệu và cùng nhau trách nhiệm với cam kết bảo vệ thương hiệu mình đã xây dựng nên. Đó chính là chìa khóa của sản xuất hiệu quả và bền vững" - ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem