Đưa mây, tre đan từ làng ra thế giới, 90% sản phẩm của HTX Phú Nghĩa được xuất đi Mỹ, Nhật Bản

Nguyễn Nam Thứ năm, ngày 14/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm mây tre đan truyền thống, HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang là "cầu nối" giúp 90% các sản phẩm mây tre đan trên địa bàn xã xuất khẩu đi nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Tây Ban Nha...
Bình luận 0

Được thành lập từ năm 1976, với phương châm "vì nhân dân phục vụ", những năm qua HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa đã tích cực hỗ trợ bà con trong các hoạt động dịch vụ, sản xuất nông nghiệp; trở thành "cầu nối" giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi từ trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn...

Thêm vào đó, HTX còn tích cực liên kết với làng nghề mây tre đan có tuổi đời hàng trăm năm ở địa phương để tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế tập thể. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương, quyết tâm không để nghề truyền thống bị mai một trước dòng chảy thời đại.

Clip: Ông Hoàng Đăng Trãi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ về hoạt động của HTX. Thực hiện: Nguyễn Nam

Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đăng Trãi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa vui mừng cho biết, năm 2022, tổng sản lượng lúa gạo tại xã Phú Nghĩa đạt 3.912 tấn, tăng 3,2% so với năm 2021. Giá trị sẩn phẩm rau màu quy thóc và tổng sản lượng lương thực cả hai vụ bình quân đầu người đạt 316kg/năm, tăng 16kg so với chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị thu nhập từ trồng trọt đạt 38,05 tỷ đồng.

Trên địa bàn xã hiện có 28 trang trại chăn nuôi lớn, tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm là 528.583 con, trong đó lợn 19.584 con, gia cầm thủy cầm là 508.679 con. Ước doanh thu từ chăn nuôi đạt 261 tỷ đồng.

Diện tích thủy sản trang trại đạt 44,32 ha, diện tích vụ mùa nông dân không cấy chuyển sang chăn nuôi cá, vịt là 196 ha. Kết quả, tổng giá trị thu nhập ngành trồng trọt và chăn nuôi năm 2022 ước đạt 382,5 tỷ đồng.

HTX - Ảnh 2.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, người đã cống hiến gần như cả cuộc đời cho việc gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Ảnh: Nguyễn Nam

Có được kết quả này, ông Trãi cho hay, bên cạnh thúc đẩy phát triển các làng nghề mây tre đan truyền thống, xã Phú Nghĩa còn chú trọng sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình đó, không thể không kể đến những đóng góp tích cực từ HTX nông nghiệp Phú Nghĩa.

Cụ thể, HTX đã mạnh dạn đăng ký các loại giống cây trồng mới, liên kết các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp. HTX cũng chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, tuyên truyền đến hộ nông dân về giống, quy trình sản xuất để bà con nắm được và thực hiện. Ngoài ra, còn liên kết sản xuất với các HTX lân cận như HTX rau quả sạch Chúc Sơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm rau màu của địa phương.

"Nhiều bà con xã viên phấn khởi cho biết nhờ tham gia HTX nên việc cấy lúa đều được thực hiện đúng chỉ đạo và tuần tự theo phương pháp cụ thể, nhờ vậy mà dù nhân lực làm nông còn mỏng nhưng năng suất đạt được vẫn ở mức cao", ông Trãi chia sẻ.

HTX - Ảnh 3.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Tây Ban Nha,... Ảnh: Nguyễn Nam

Phát triển nghề truyền thống gắn với Chương trình OCOP

Xã Phú Nghĩa có 7/7 làng làm nghề mây tre đan với 90% số hộ tham gia, trong đó có 3 làng được công nhận là làng nghề (Phú Vinh, Quan Châm, Khê Than). Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa còn chú trọng liên kết với các làng nghề địa phương, qua đó góp phần đưa mây tre đan từ một nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một trở thành "mũi nhọn" kinh tế, đảm bảo sinh kế ổn định cho bà con. Làng nghề Phú Vinh - nơi được mệnh danh là "xứ mây" Hà Thành - chính là một trong những ví dụ điển hình về mối liên kết chặt chẽ này. 

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung là người đã gắn bó với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ gần 70 năm cuộc đời. Bên cạnh việc là một trong những thành viên cốt cán tham gia tích cực các hoạt động của HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung còn là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp mây tre đan Phú Nghĩa (bao gồm 61 thành viên) kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Nghệ Hoa Sơn.

Ông Trung tâm sự: "Tôi vẫn thường nói rằng, quả là may mắn cho xã Phú Nghĩa nói chung và làng Phú Vinh nói riêng, khi đã được trời phú cho nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú, lại độc đáo. Chỉ từ những loài cây quen thuộc với đời sống nông thôn mà bất kể ai cũng có thể tham gia sản xuất và cho ra đời những sản phẩm mây tre đan mộc mạc, giản dị, thân thuộc với quê hương".

HTX - Ảnh 4.

Từ xa xưa, tiếng tăm làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa đã sớm vang xa. Hiện nay, nhiều sản phẩm cổ của làng nghề vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Nguyễn Nam

Từ xa xưa, tiếng tăm làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa đã sớm vang xa. Hiện nay, nhiều sản phẩm cổ của làng nghề vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn tại Thừa Thiên - Huế.

Ông Trung chia sẻ, tuy nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay nhưng trước đây, hoạt động sản xuất chủ yếu còn mang tính tự phát, manh mún, chưa mang lại giá trị kinh tế lớn. Song, kể từ khi đất nước dần ổn định sau những năm tháng chiến tranh, làng nghề đã dần đi vào nề nếp, sản xuất ngày càng bài bản, quy mô và chuyên nghiệp hơn.

"Những năm gần đây, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đảm bảo chất lượng cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nhờ vậy mà chúng tôi đã có 49 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của TP. Hà Nội, điển hình như bát bộ ba, bộ đèn đan vảy rồng,... Ngoài ra còn có 1 sản phẩm đang được đánh giá tiềm năng 5 sao", ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo không chỉ được ưa dùng trong nước, mà còn được xuất khẩu sang thị trường lớn như Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Tây Ban Nha,... 

"Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của làng nghề chiếm tới khoảng 90% số lượng sản xuất. Chúng tôi đang cố gắng nâng cấp thêm khâu kỹ thuật nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người lao động", ông Trung nói.

Ấp ủ những giấc mơ xa…

Suốt gần 50 năm đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cơ quan ban ngành của TP Hà Nội, huyện Chương Mỹ và xã Phú Nghĩa. Nhờ vậy mà những chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng như phát triển làng nghề truyền thống luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Bằng chứng là những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, quy trình thâm canh; hay những mô hình mới về trồng trọt, chăn nuôi được áp dụng;... đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất khi giúp người dân nâng cao năng suất và đều cho hiệu quả kinh tế lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một vài khó khăn nhất định. Giám đốc Hoàng Đăng Trãi cho biết thời gian qua, tình trạng giá xăng dầu cũng giá điện tăng cao đã khiến những hoạt động sản xuất của người dân HTX bị "đội" thêm nhiều chi phí, ảnh hưởng ít nhiều đến bài toán kinh tế. Trên cơ sở đó, HTX mong muốn các cơ quan Nhà nước xem xét tăng thêm khoản thủy lệ phí nhằm hỗ trợ cho bà con vượt qua thời buổi khó khăn.

HTX - Ảnh 5.

Các nghệ nhân “xứ mây” Hà Thành đã biến một nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một trở thành “mũi nhọn” kinh tế, đảm bảo sinh kế ổn định cho bà con thôn làng. Ảnh: Nguyễn Nam

Ngoài ra, ông Trãi cũng đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm thêm đến vấn đề đầu tư bê tông hóa đường sản xuất ngoài đồng. Mặc dù trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ này đã và đang được tiến hành nhưng ở một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, đặc biệt là xã Phú Nghĩa, tỷ lệ đường nội đồng được bê tông hóa vẫn còn rất ít.

Trong thời gian tới, ban lãnh đạo HTX cũng đang ấp ủ dự định có thể tự đứng ra mở rộng và phát triển thêm các lớp dạy nghề ở thôn làng. Đồng thời, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ vệ sinh môi trường, qua đó vừa gìn giữ cảnh quan chung, vừa giúp thành viên HTX nâng cao thu nhập.

"HTX mong muốn mở thêm những lớp dạy nghề để truyền đạt lại kiến thức cho bà con xã viên có kế sinh nhai ổn định, lâu dài. Bên cạnh mục tiêu gìn giữ nghề truyền thống mây tre đan thì còn có thể dạy thêm nhiều kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi hay nhiều ngành khác. Có vậy mới giúp nâng cao chất lượng hoạt động nhiều ngành nghề của HTX, thay vì chỉ tập trung vào duy nhất mảng nông nghiệp", ông Trãi trải lòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem