Rau Đà Lạt có an toàn?

Thứ ba, ngày 20/07/2010 05:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong bối cảnh chất lượng rau trên thị trường đang rất bát nháo, câu hỏi trên không phải là không có cơ sở.
Bình luận 0
img
Rau Đà Lạt được đưa vào chế biến để xuất khẩu.

Rau công nghệ cao

Theo ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng bắt đầu triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2004, đến ngày 20-12-2008, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức trao Quyết định công bố thương hiệu “Dalat GAP” cho rau Đà Lạt.

Trước đó, Đà Lạt là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng quy trình sản xuất rau sạch được Hội đồng Khoa học công nghệ cấp nhà nước nghiệm thu và là quy trình sản xuất rau sạch đầu tiên của VN được Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc (FAO) công nhận.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, diện tích trồng rau hàng năm của tỉnh này vào khoảng 35.000ha với sản lượng 1,1 triệu tấn rau thành phẩm các loại. Vào năm 1997, một thương nhân người Anh tên là Shark Taget sang Lâm Đồng và lập một trang trại trồng rau “khép kín” ở một quả đồi thuộc phường 8 (Đà Lạt). Đây là cơ sở rau sạch đầu tiên của Lâm Đồng. Từ đó, nhiều nhãn hiệu rau sạch khác của Đà Lạt lần lượt ra đời như Thanh Sơn, Xuân Hương, Nhà Xanh, Ánh Ban Mai…

Đến giờ, theo cách nói của các nhà quản lý nông nghiệp địa phương thì ý thức về sản xuất rau sạch gần như là điều luôn hiện hữu trong đầu của nhà vườn ở xứ sở rau hoa trên cao này. Đặc biệt, sau khi ban hành văn bản sản xuất rau theo thương hiệu “Dalat GAP”, tính đến thời điểm này đã có hơn 10 đơn vị và cá nhân chính thức đăng ký để được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Và, bắt đầu từ đầu năm 2009 trở đi, nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” đã chính thức trở thành nhãn hiệu độc quyền trong cả nước theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Liệu có quá chủ quan?

Những cố gắng đáng ghi nhận là vậy, song, nếu nhìn toàn cục về sản xuất rau Đà Lạt – Lâm Đồng thì chúng ta không quá khó khăn để nhận ra sự bất cập. Điều đáng lưu ý lớn nhất là sự bất cập về tính đồng bộ trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung.

Thực tế, trong khi những người trồng rau được tập hợp trong các tổ chức đoàn thể hoặc các đơn vị ra sức phấn đấu cho một nhãn hiệu không dễ mà có được – nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” – thì một bộ phận không nhỏ người dân sản xuất rau “tự do” lại không mấy quan tâm đến vấn đề này. Hoặc ngay cả một số “ông chủ” đứng mũi chịu sào của các tổ chức, đoàn thể trồng rau trên địa bàn Đà Lạt cũng chưa ý thức một cách đầy đủ về vai trò của mình trong việc sản xuất rau sạch và trong việc giữ gìn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” độc quyền.

Nhìn rộng hơn, hàng năm, chỉ có khoảng 10% sản lượng rau Đà Lạt đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu cũng là điều đáng để suy ngẫm.

Ông Trần Đức Q – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp X.H (đơn vị chuyên trồng rau ở phường 9, Đà Lạt) – là một người như thế. Khi được hỏi về vai trò của HTX trong quản lý chất lượng rau ngay từ khâu sản xuất, ông Quang đã nói thẳng rằng đó là việc của cơ quan quản lý nhà nước, còn ông thì… không biết (!).

Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, dịp Festival hoa Đà Lạt 2007, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra 21 mẫu rau thì phát hiện đến 3 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Trước đó – năm 2006, tại TP. HCM, qua kiểm tra 790 mẫu rau của 52 đơn vị kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố, Chi cục Bảo vệ thực vật TP. HCM đã phát hiện đến 26 mẫu thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 5 mẫu có nguồn gốc rau Đà Lạt.

Hoặc như trong năm 2009 vừa qua, theo công bố của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, đây là năm Lâm Đồng đạt tỷ lệ rau củ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp nhất từ trước đến nay (3,8%) nhưng con số 3 trong tổng số 45 mẫu rau, củ, quả được kiểm tra có thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa phải là con số làm yên lòng người tiêu dùng.

Hiện Lâm Đồng đang phấn đấu để thực sự trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước, và rau củ quả được xác định là “mũi nhọn” của trung tâm này.

Ông Phạm Văn Án cho biết là hiện tại đang có hàng loạt cán bộ nông nghiệp được đưa đi đào tạo cho mục đích chuyển giao kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn Viet GAP cho nông dân trong tương lai; đồng thời, bằng nhiều con đường, cơ quan hữu trách của tỉnh cũng đang và sẽ giúp người nông dân trồng rau có đủ kiến thức để làm ra những sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong sử dụng rau có nguồn gốc xuất xứ từ Lâm Đồng – địa phương đầu tiên được cấp nhãn hiệu rau độc quyền, nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”.

Đó là những tín hiệu đáng mừng cho viễn cảnh rau Đà Lạt trước câu hỏi vẫn tiếp tục gây day dứt: “Liệu rau Đà Lạt có an toàn hay không?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem