Đời sống khá giả
Những ngày này, tại Duy Phước, trên các cánh đồng lúa, nông dân đang tất bật làm đất để xuống giống vụ đông xuân. Ở các vùng trồng rau quả, bà con cũng đang hối hả gieo trồng để chuẩn bị cho vụ rau mới bán tết.
Cây rau thực sự là “vị cứu tinh” của người dân Duy Phước. Ảnh: H.Đ
Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng rau xanh bạt ngàn tại thôn Lang Châu Bắc, lão nông Lê Đông Sang (60 tuổi) phấn khởi nói, bà con trong thôn chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp và trồng rau quả. Toàn thôn có trên 250 hộ trồng rau, với tổng diện tích trên 20ha. Mỗi hộ làm từ 1-2 sào, hộ nhiều nhất là 5-6 sào. Nhờ trồng rau mà đời sống nhân dân trong thôn khá giả hẳn lên.
Chủ tịch UBND xã Duy Phước Huỳnh Thị Hường cho biết, toàn xã có gần 180ha hoa màu. Trong đó, xã đã hình thành 4 cánh đồng mẫu lớn, 6 vùng chuyên canh sản xuất các loại rau màu. Ngoài ra, Duy Phước còn được xem là “vựa lúa” của huyện Duy Xuyên, với diện tích 550ha và hiện nay xã đã hình thành 12 cánh đồng sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.
“Mỗi năm gia đình tôi chỉ làm hơn 4 sào rau quả, trồng và thu hoạch quanh năm. Bình quân mỗi sào (500m2), cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm, như vậy mỗi ha sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...” – ông Sang chia sẻ.
Thu nhập tăng gấp 1,5 lần
Duy Phước là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Duy Xuyên về đích NTM. Tới đây, xã sẽ tập trung đầu tư các nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng bộ mặt nông thôn văn minh, tiên tiến và hiện đại hơn.
|
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tâm - Trưởng thôn Câu Lâu Đông cho biết, cùng với kinh doanh buôn bán, bà con nhân dân trong thôn nhờ làm rau và lúa giống, lúa hàng hóa mà có thu nhập đáng kể. Bình quân mỗi 1ha rau cho thu nhập từ 190 – 200 triệu đồng/năm; mỗi sào lúa giống, lúa hàng hóa cho năng suất từ 400-450kg, với giá bán 7.200 đồng/kg, bà con thu nhập cao hơn nhiều lần so với làm lúa thường.
Ngoài khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa để tăng giá trị kinh tế, những năm qua chính quyền xã Duy Phước cũng đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển các ngành nghề thương mại - dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn xã có 15 doanh nghiệp lớn, với gần 250 hộ cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 900 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng người/tháng…
Theo ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã, khi triển khai xây dựng NTM, mục tiêu hàng đầu của Duy Phước là tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất để tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Sau 5 năm, từ các nguồn vốn nhà nước và huy động lồng ghép từ các nguồn khác, xã đã đầu tư gần 100 tỷ đồng cho hạ tầng cơ sở. Nhờ đó, 100% đường giao thông trục xã, liên xã được bê tông hóa đạt chuẩn; đường trục thôn, xóm được cứng và bê tông hóa trên 94%; cơ sở vật chất văn hóa tại 8 thôn được đầu tư khang trang, trường học, trạm y tế đạt chuẩn…
“Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt hơn 10 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 19%, nhưng đến nay, sau gần 5 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 1,5 lần với mức 24,5 triệu đồng người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%...” – bà Hường phấn khởi cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.