"Méo mặt" ra chợ
Ra chợ Cây Quéo (Q. Bình Thạnh, TPHCM) mua rau sống, chọn một túi rau
đủ loại gồm xà lách, rau thơm..., Hồng - sinh viên (SV) Trường ĐH Thủy
lợi TPHCM không khỏi "choáng" khi cô bán hàng tính hết 43.000 đồng, thêm
một mớ rau cải đắng 12.000 đồng. Tưởng mình nghe nhầm, Hồng hỏi lại thì
cô bán hàng cũng nhăn mặt theo khách: “Rau mắc vậy đó em, không mua
được thì để lại thôi”.
![Rau tăng giá chóng mặt, sinh viên ra chợ là thấy hoảng. Như túi rau thơm chỉ vài cây này có giá gần 20.000 đồng. Rau tăng giá chóng mặt, sinh viên ra chợ là thấy hoảng. Như túi rau thơm chỉ vài cây này có giá gần 20.000 đồng.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2013/images/2013-10-16/1434787664-mam1.jpg)
Rau tăng giá chóng mặt, sinh viên ra chợ là thấy hoảng. Như túi rau thơm chỉ vài cây này có giá gần 20.000 đồng.
Dù rau đã nằm trong bịch, Hồng đành lôi ra trả lại vì vượt quá nhiều
số tiền chi cho ăn uống của 4 người cùng phòng và chọn lấy nửa cân rau
muống giá 10.000 đồng, trước đây chỉ 4.000 đồng.
Hồng cho biết, mọi người trong phòng luân phiên nấu ăn, gần hai tuần
nay đã nghe mọi người than rau tăng giá nhưng chỉ khi ra chợ, Hồng mới
thấy hoảng thật sự. Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là
giá rau nên tiền ăn hàng ngày của họ đã đội lên rất nhiều.
Với mức 75.000- 85.000 đồng tiền ăn uống mỗi ngày gồm cả gas, gạo,
dầu ăn, gia vị... nên lâu nay phòng trọ 3 người ở của Phạm Thị Nguyên,
ĐH Công nghiệp TPHCM chỉ có thể chi ra 50.000đồngmua thức ăn. Nhiều
ngày nay, khi giá rau tăng vọt thì số tiền này chẳng thể nào đủ để họ
xoay xở.
“Các loại rau củ đều tăng giá 2- 3 lần, trước đây có thể mua
10.000- 15.000 đồng tiền rau cho hai bữa thì giờ từng đó mua không ăn
đủ một bữa. Cứ ra chợ vào hàng rau là nóng mặt vì giá rất mắc, toàn nâng
lên rồi đặt xuống mãi rồi mới quyết định mua”, Nguyên cho hay.
Trước đây, mỗi lần Nguyên mua rau những thứ đi kèm như ớt, hành
thường được người bán hàng cho thêm thì bây giờ giá cao, buộc phải bỏ
tiền ra. Thế nên, tiền mua thức ăn của nhóm SV này đã độn lên rất nhiều,
bị thâm hụt vào tiền chi tiêu hàng tháng mà họ chưa biết lấy đâu để bù
vào.
Bữa ăn càng teo tóp
Món ăn khoái khẩu và tiết kiệm của Thùy Linh, SV Trường ĐH Kinh tế
TPHCM cùng những người bạn cùng phòng là thịt heo luộc cuốn bánh tráng.
Với 2 lạng thịt, thêm ít bún cùng rổ rau 6.000- 8.000 đồng là có bữa ăn
đầy ra nhưng giờ thì chẳng thể vì một cây xà lách đã 5.000- 6.000
đồng, mua cho đủ rau phải vài chục nghìn.
Giá cả tăng, nhiều ngày nay, với khoản tiền như trước, bữa cơm của họ
vốn đã được cân đo đong đếm kỹ từng nghìn giờ teo tóp thấy rõ. Nhiều
hôm, cả nhóm chỉ ăn mấy quả dưa chuột với miếng canh lèo tèo toàn nước
mà vẫn vượt số tiền chi tiêu nên vào mâm cơm là lại vang lên tiếng than
thở.
![Giá thực phẩm tăng, bữa ăn sinh viên xa nhà lại teo tóp hơn. Giá thực phẩm tăng, bữa ăn sinh viên xa nhà lại teo tóp hơn.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2013/images/2013-10-16/1434787664-mam2.jpg)
Giá thực phẩm tăng, bữa ăn sinh viên xa nhà lại teo tóp hơn.
Để giữ được bữa ăn như trước khi giá cả thực phẩm cao như thời điểm
này, bạn Phạm Thị Nguyên cho rằng phòng mình phải chi thêm ít nhất là
20.000 đồng. Với mọi người đây có thể là số tiền nhỏ nhưng với SV xa
nhà, tính từng đồng lẻ là cả một khoản đáng lo. Nhiều SV không có thêm
tiền để bù thì cách duy nhất để họ chống chọi là “rút ruột” bữa ăn xuống
thấp hơn nữa. Như phòng Nguyên, nhiều bữa cơm họ chấp nhận ăn uống sơ
sài, qua loa không chỉ vắng thức ăn mặn mà giờ thiếu cả rau củ.
Những khoản cố định không thể cắt giảm, tiền ăn luôn là thứ đầu tiên
SV nghĩ đến để tiết kiệm. Lâu nay, tiền ăn uống của SV thường đã được
cắt giảm xuống đến mức thấp nhất có thể, nhưng khi giá cả tăng khoản này
lại tiếp tục cắt tiếp. Bữa cơm của nhiều cử nhân tương lai vốn đã eo óp
giờ càng tong teo hơn.
“Mỗi tháng em có 1 triệu tiền ăn, tính ra chỉ 10.000 đồng một bữa thì
mọi người có thể hình dung nó như thế nào. Với số tiền đó, hiếm khi có
đồ ăn mặn, chủ yếu là rau. Giờ rau đắt không dám mua, SV nhịn bữa sáng
đến trường, ăn cơm chan nước mắm là bình thường vì nhiều bạn tiền ăn
hàng tháng còn thấp hơn em”, N.T.Hưng, SV Trường ĐH Ngân hàng TPHCM ngại
ngần.
Dân Trí (Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.