Rau sam - 'thần dược trường thọ' mọc đầy đường ít người biết

Thứ ba, ngày 15/05/2018 19:15 PM (GMT+7)
Rau sam là loài rau giản dị nhưng cũng là vị thuốc quý trong y học cổ truyền và y học hiện đại, có nhiều lợi ích cho sức khỏe và tuổi thanh xuân.
Bình luận 0

img

Rau sam là loại rau dân dã nhưng lại có nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời

Rau sam (hay còn gọi là cây mã sỉ hiện) là loại cây bò mọc sát đất, thân mẫm màu tím đỏ, lá xanh mướt, hoa vàng hoặc đỏ. Lá hình tròn nhỏ hoặc hơi thuôn, có hình dáng giống như răng của con ngựa.

Rau sam dễ trồng, dễ sống, có thể phát triển trên cả những vùng đất khô cằn nhất mà không cần chăm bón quá đặc biệt, không cần vun trồng quá kỹ. Ở những làng quê, có thể dễ dàng tìm thấy rau sam ở các bãi đất, bờ ruộng, những gò đống tự nhiên.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong thân cây rau sam tìm thấy những chất dinh dưỡng khá tốt. Trong rau sam có nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, acid folic và cholin. Không những vậy rau sam có chứa các chất vi lượng quý như đồng, magie, mangan, kẽm nên có hoạt tính chống các khối u, hữu ích cho người bị các bệnh lý mãn tính, tiếp xúc nhiều với phóng xạ.

Rau sam có chứa các chất hoạt hóa thần kinh như DOPA, dopamin nên có ích cho trí nhớ. Rau sam có khả năng thải trừ một chất độc bisphenol A, nên giúp cơ thể thanh lọc hiệu quả.

Trong rau sam không có cholesterol, không có chất béo vì thế là loại rau thanh đạm rất lý tưởng, xứng đáng là loại rau thải độc bởi 100g rau sam có tới 93g nước.

img

Bữa cơm giản dị ngày hè với cá nướng và rau sam

Theo BS Yên Lâm Phúc (Bệnh viện Quân Y 103), rau sam có vị chua, tính hàn, không có độc, có kháng sinh tự nhiên, có khả năng giải độc, tiêu thũng, kích thích tiêu hóa.

Đặc biệt, rau sam có tính hàn nên có khả năng thanh nhiệt trị các chứng nóng trong, nóng ngoài của mùa hè.

Không chỉ vậy, trong rau sam có kháng sinh tự nhiên nên có khả năng sát trùng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da, viêm nhiễm đường tiết niệu, các chứng lỵ, giun sán đường ruột. Vì rau sam có khả năng tiêu thũng nên có tác dụng điều trị các chứng mụn nhọt mẩn ngứa sưng đau ngoài da, các chứng đầy bụng, trướng bụng.

Trong rau sam cũng có lượng hợp chất ancaloit có tác dụng chống oxi hóa rất cao. Đây là một trong những hợp chất rất có lợi cho sức khỏe và tuổi thanh xuân.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Yên Lâm Phúc cũng chia sẻ các bài thuốc chữa bệnh vô cùng hữu ích từ rau sam.

img

Rau sam thường bò mọc sát đất, thân mẫm màu tím đỏ, lá xanh hoa vàng hoặc đỏ

Trị giun: lấy 50g rau sam tươi, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước. Dùng ngày nào thì đi hái rau sam ngày đó. Nếu bạn hái rau sam để sẵn trong tủ lạnh, hoạt chất sẽ bị giảm và ít có giá trị với giun. Hãy uống nước ép rau sam vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc uống vào buổi sáng, lúc chưa ăn gì, sau 4 giờ mới được ăn nhẹ. Uống liền trong 3 - 4 ngày bạn sẽ thấy giun ra ngoài theo phân. Phương cách này hữu hiệu với giun kim và giun đũa.

Trị kiết lỵ: lấy rau sam 100g, cỏ sữa 100g. Hai loại này rửa sạch, đem đun lẫn với 400ml nước. Khi nào cạn còn chừng 100ml thì gạn nước ra để uống, chia uống 2 lần trong ngày. Nếu có thêm đi ngoài ra máu thì thêm cỏ nhọ nồi 20g đun lẫn.

Trong trường hợp thấy khó uống có thể ép rau sam lấy nước với lượng rau sam như trên. Hòa lượng nước cốt này của rau sam hòa với 100nl nước, đun sôi, sau đó cho thêm 1 thìa mật, chừng 10g, hòa vào nước rau sam đã đun chín cho dễ uống.

Trong phương cách này, rau sam có tính kháng sinh với các vi khuẩn đường ruột rất tốt. Người ta thấy, đặc tính kháng sinh của rau sam rất công hiệu với các vi khuẩn đường ruột, ngoài da và một số vi khuẩn gây bệnh ở phổi. Các vi khuẩn nhạy cảm bao gồm vi khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn. Do đó, rau sam thường xuyên được sử dụng để chữa bệnh đường ruột.

Trị mụn nhọt: lấy 30g rau sam, rửa sạch, sau đó giã nát. Bọc toàn bộ thứ rau đã nát này vào một gạc sạch, sau đó đắp lên phần da bị mụn nhọt. Mỗi ngày thay 2 lần. Đắp chừng 3 ngày thì mụn nhọt chín và vỡ.

Trong phương pháp này, rau sam có tác dụng sát trùng vì có kháng sinh tự nhiên, lại có tác dụng tiêu thũng nên làm giảm sưng đau. Tuy vậy, công dụng của rau sam chỉ có tác dụng với các mụn nhọt nông, không hoặc ít có tác dụng với các mụn nhọt sâu (viêm nang lông sâu, nhiễm trùng da kiểu đinh bối, hậu bối). Không dùng phương pháp đắp này với phần mắt và quanh mắt, phần quanh bộ phận sinh dục.

Trị trướng bụng: 300g rau sam, rửa sạch, chia làm 2 lần, mỗi lần 150g, thái nhỏ, nấu lẫn với nước vo gạo nếp lần 2 tạo thành một thứ canh hơi sệt. Loại canh này có tác dụng kích thích vận động của đường ruột, lưu chuyển tiêu hóa, tình trạng trướng bụng, phù thũng sẽ được giảm. Để có công hiệu, bạn có thể tăng lượng rau sam lên đến 400 - 500g.

Trị tiểu rát, tiểu máu: 300g rau sam chia ra làm 3 lần, mỗi lần 100g. Rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, nấu canh lẫn với rau dền cơm với lượng 50g mỗi lần. Ăn trong ngày. Ăn liền 5 - 7 ngày tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu sẽ được cải thiện.

Vai trò của rau sam trong trường hợp này là sát trùng đường niệu để chống viêm nhiễm, có tác dụng tiêu thũng nên làm lợi tiểu để thải bỏ chất cặn bẩn ra khỏi thận. Trong trường hợp tiểu máu do sỏi thận, dùng vị rau sam sẽ rất thích hợp. Lý do đó là vì vi khuẩn E.coli rất nhạy cảm với rau sam. Chỉ cần nước ép rau sam chừng 10% (10g nước cốt rau sam + 90ml nước) thì đã thấy hiệu ứng với trực khuẩn E.coli. Vi khuẩn E.coli là vi khuẩn hàng đầu gây bệnh viêm đường tiết niệu. Nên phương cách này rất tốt để chữa tiểu máu, tiểu đau, tiểu rắt.

Tuy rau sam rất tốt và có nhiều công dụng nhưng theo BS Yên Lâm Phúc có những người không thích hợp sử dụng loại rau này như: phụ nữ có thai, người có các bệnh như đi tiểu lỏng, thể tạng hư hàn, người bị bệnh về thận.

Lam Khuê (Đời sống Plus/GĐVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem