Giá cà phê đang leo đỉnh, nông dân Gia Lai thêm nỗi lo rệp sáp tấn công cây cà phê

Hoàng Lộc Thứ sáu, ngày 22/03/2024 14:26 PM (GMT+7)
Nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh gây hại, trong đó có rệp sáp tấn công vườn cà phê của người nông dân, nguy cơ gây thiệt hại về năng suất.
Bình luận 0

Khổ sở loại trừ rệp sáp

Thời gian qua, nhiều hộ dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đau đầu vì rệp sáp sinh trưởng mạnh và gây hại cho vườn cây.

Gia đình bà Dương Thị Hòa (trú tại xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) có khoảng 2 ha cà phê, trong đó có 1 nửa diện tích bị rệp sáp.

Giá cà phê đang leo đỉnh, nông dân Gia Lai thêm nỗi lo rệp sáp tấn công cây cà phê - Ảnh 1.

Rệp sáp tấn công các vườn cà phê của bà con nông dân

Bà cho biết: "Từ đầu năm cho đến nay, thời tiết diễn biến thất thường. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch, không có một cơn mưa nào nên đã tạo điều kiện cho rệp sáp xuất hiện. Loài sâu bệnh này chích hút dinh dưỡng ở cuống chùm trái non, gốc và rễ. Có một số cành đã bị khô héo, rụng lá. Chính vì vậy, mấy ngày qua, tôi phải dụng vòi nước để xịt mạnh vào cây cà phê, loại trừ rệp sáp".

Tương tự, gia đình ông Hà Đăng Thuận (trú tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) những ngày qua cũng phun nước để rửa sạch những chùm hoa non bị rệp sáp tấn công trên vườn cà phê gần 2 ha của gia đình.

Bên cạnh đó, ông còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa, hỗ trợ cho cây tăng thêm sức đề kháng.

"Nếu mà trồng cà phê thì phải xác định cây bị nhiễm rệp sáp là điều có thể xảy ra. Năm nay, vườn cà phê bị rệp sáp nhiều hơn các năm trước. Khu vườn nhà tôi có gần 30% cây cà phê bị rệp sáp gây hại. Khi bị rệp sáp, vườn cà phê sẽ chậm phát triển. Trong khi không xử lý kịp thời thì cây có thể bị chết. Đến nay, vườn cà phê của gia đình cơ bản đã hết sạch rệp sáp", ông Thuận nói.

Giá cà phê đang leo đỉnh, nông dân Gia Lai thêm nỗi lo rệp sáp tấn công cây cà phê - Ảnh 2.

Đây là loài sâu hại khó trị nhất

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, Thương mai, Dịch vụ và Du lịch Nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho hay, HTX có gần 300 ha cà phê. Hầu hết các vườn cà phê đều bị rệp sáp gây hại.

Theo ông Thanh, thời điểm này cây cà phê đang bước vào giai đoạn đậu trái. Loài sâu hại này sẽ tấn công các chùm trái non để hút chất dinh dưỡng. Từ đó, cây sẽ chết khô.

"Hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường không thể trị dứt được loài rệp sáp nay nên người dân chủ yếu dùng nước phun rửa sạch chúng khỏi cây cà phê", ông Thanh nói.

Biện pháp để phòng trừ rệp sáp

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Gia Lai có đến 2.610 ha cà phê bị rệp sáp gây hại.

Ông Trần Xuân Khải. Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết, rệp sáp là sinh vật gây hại phổ biến trên cây cà phê. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch, trong đó giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa. Chúng thường bám vào chồi non, cành lá, chùm quả, thân rễ để hút nhựa cây gây khô héo, rụng bông, rụng quả non.

Cây cà phê bị rệp sáp gây hại nặng thường xuất hiện lớp nấm muội đen bao phủ, làm giảm khả năng quang hợp khiến lá úa vàng, quả khô dần rồi rụng nhiều.

Rệp sáp gây hại làm tổn thương cuống quả tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây thối, rụng quả hàng loạt. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây.

Giá cà phê đang leo đỉnh, nông dân Gia Lai thêm nỗi lo rệp sáp tấn công cây cà phê - Ảnh 3.

Người dân dùng vòi nước để phun rửa trôi rệp sáp bám trên cây cà phê

Để phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê, ông Khải cho hay, các địa phương, doanh nghiệp, nông-lâm trường trồng cà phê cần hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp phòng trừ như thường xuyên vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh lây lan của rệp; thăm vườn cà phê thường xuyên để phát hiện sự xuất hiện, mật độ của rệp sáp, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Đối với trường hợp rệp mới xuất hiện gây hại cục bộ cần đánh dấu cây để phun thuốc trực tiếp vào các cây, cành bị nhiễm nhằm tránh lãng phí công sức, tiền bạc, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đối với vườn cà phê có mật độ rệp sáp cao, có nguy cơ lan rộng mới cần phun toàn bộ diện tích bị nhiễm. Khi tưới nước có thể kết hợp dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh vào cành, chùm hoa, quả có rệp sáp để làm rụng cánh hoa khô và bể lớp sáp, sau đó phun thuốc sẽ hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem