Đốt lửa sưởi ấm vật nuôi
Thời điểm này, đến các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ... của Lai Châu, phóng viên cảm nhận hết được cái lạnh, cái rét thấu xương. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, để chống rét cho vật nuôi, hầu hết các hộ chăn nuôi đã lùa đàn trâu bò về chuồng.
Đa số các chuồng đã được che chắn cẩn thận, các loại thức ăn như rơm rạ, cỏ cũng đã được chuẩn bị đầy đủ. Nhiều nhà đốt bếp lửa suốt ngày đêm ngay trong chuồng để trâu bò tránh rét.
|
Người dân vùng cao Lạng Sơn “mặc áo” chống rét gia súc. |
Việc chống rét cho vật nuôi cũng được nông dân Sơn La chú trọng. Vừa loay hoay nhóm thêm đống lửa cạnh chuồng nhốt bò, ông Hà Văn Ngâu (bản Phiêng Luông, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu) nói: Mấy hôm nay lo cho 3 con bò còn hơn lo cho mình. Ngay khi nghe thông báo đợt rét, tôi đã sửa chuồng bò, khâu bao tải làm áo chống rét và đốt lửa cho chúng sưởi, tránh thiệt hại”...
Ngược lên vùng cao Si Ma Cai, Bắc Hà của tỉnh Lào Cai mới thấy sự khắc nghiệt của thời tiết. Các nhà dân 2 bên đường đóng cửa im ỉm, bập bùng bếp lửa để tránh rét. Sương giá lạnh, mưa phùn khiến đường sá nhớp nháp, cây cối rũ ra... Trong căn nhà trình tường, ông Lùng Văn Tẩn ở xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, lập cập 2 hàm răng, bảo: “Tôi phải buộc rơm, vải vào chân trâu, bò như mặc quần cho nó thì mới khỏi chết”.
Ông Hà Văn Hum- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu cho biết: “Ngay khi có thông tin về đợt rét này, chúng tôi đã triển khai kiểm tra công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi ở các cơ sở trong toàn tỉnh. Tất cả lực lượng khuyến nông từ tỉnh, tới huyện, xã phải bám bản, bám dân để chống rét, giảm thiểu thiệt hại đến mức nhỏ nhất”. Theo ông Hum, ngành đã khuyến cáo bà con nông dân chuẩn bị đủ rơm, thức ăn khô cho trâu bò với số lượng tối thiểu 10-15kg/con.
Còn theo ông Ma Quang Trung- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai, ngay từ đầu năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng để nông dân xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi; sơ chế và tích trữ thức ăn cho gia súc; đồng thời mua con giống gia súc mới; thực hiện việc tiêm phòng triệt để hơn để tránh bệnh mùa đông...
Dưới 12 độ C không được chăn thả trâu bò
Hôm qua (3.1), trao đổi với NTNN, ông Tiến Hồng Phúc - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi gia súc lớn (Cục Chăn nuôi) cho biết: “Tính đến thời điểm này, chưa có báo cáo của các địa phương về tình hình gia súc, gia cầm chết rét”. Theo ông Phúc, năm nay do có chỉ đạo sớm, quyết liệt của Bộ NNPTNT, sự chủ động, tích cực của các địa phương và của bà con nông dân nên đã hạn chế được tình trạng gia súc, gia cầm chết đói, chết rét.
Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) vừa có công văn gửi các địa phương đề nghị, nếu các địa phương gặp khó khăn về các biện pháp phòng, chống cần báo cáo kịp thời về Cục để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa đàn gia súc, gia cầm chết đói, chết rét.
Bộ NNPTNT cũng đã yêu cầu các địa phương cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết. Bộ khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn tinh, thô như rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò.
Cụ thể, mỗi hộ gia đình chăn nuôi trâu bò phải có chuồng và một cây rơm, rạ, đảm bảo bình quân 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét. Những ngày rét, nhiệt độ dưới 120C thì không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu bò về chỗ nuôi, nhốt có kiểm soát; củng cố chuồng trại chăn nuôi che chắn giữ khô nền, kín, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi.
Kiều Thiện - Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.