Đặc sản lạ lùng "ngon muốn nuốt luôn cả lưỡi" chỉ mọc tự nhiên bên bờ suối không phải ai cũng dám thử

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 29/04/2022 07:48 AM (GMT+7)
Rêu đá là đặc sản "trời cho" ở các vùng Tây Bắc, bởi chúng chỉ mọc tự nhiên trên các mỏm đá, các bờ suối đầu nguồn. Rêu đá giờ không chỉ là món ăn dân dã, mà còn trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn du khách gần xa.
Bình luận 0

Ở một số tỉnh Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng, có một món ăn mà ai mới nghe thoáng qua tên gọi cũng thấy vô cùng lạ lẫm và đặc biệt. Đó là món rêu đá, được lấy từ các bờ suối đầu nguồn, nơi có nguồn nước sạch, chảy xiết.

Độc đáo món ăn đặc sản mọc trên đá nơi bờ suối chỉ có ở Tây Bắc, ăn vào có vị bùi, lạ miệng - Ảnh 1.

Rêu đá là đặc sản mà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào các dân tộc vùng núi Tây Bắc. (Ảnh: Hà Thanh)

Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Rêu hấp, canh rêu, rêu xào, nộm rêu, rêu nướng… tùy theo sở thích của mỗi người.

Rêu mọc tự nhiên trên các mỏm đá, bám vào các gờ đá nơi lòng suối, chúng có quanh năm nhưng theo người dân vào mùa xuân là mùa rêu ngon nhất.

Theo kinh nghiệm của đồng bào ở Tây Bắc, khi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, vì ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon.

Độc đáo món ăn đặc sản mọc trên đá nơi bờ suối chỉ có ở Tây Bắc, ăn vào có vị bùi, lạ miệng - Ảnh 2.

Rêu sau khi lấy về sẽ được nhặt sạch (Ảnh: Hà Thanh)

Việc hái rêu và sơ chế rêu mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ.

Rêu sau khi hái sẽ được nhặt sạch rồi dùng rổ, rá để đãi sạch sạn cát... có lẫn trong rêu. Tiếp đến, rêu được thả vào những chậu nước lớn để giặt.

Người dân dùng tay vò qua lại giống động tác giặt quần áo để giũ sạch những chất bẩn, nhớt còn sót lại bám trên rêu. Sau khi giặt qua nhiều lần nước, rêu được vắt ráo, nắm lại thành từng nắm chặt để ráo nước rồi mới chế biến thành món ăn.

Thông thường người dân sẽ chế biến rêu ngay sau khi các công đoạn sơ chế hoàn tất. Nếu để lâu rêu sẽ bị khô, khi chế biến sẽ không còn ngon nữa.

Độc đáo món ăn đặc sản mọc trên đá nơi bờ suối chỉ có ở Tây Bắc, ăn vào có vị bùi, lạ miệng - Ảnh 3.

Sau công đoạn làm sạch, rêu cần được chế biến ngay để giữ lại vị ngon (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Lò Thị Thích (xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, vài năm gần đây, cứ đến mùa là chị lại ra suối hái rêu về ăn và đem bán. Ngày càng có nhiều khách biết đến và ưa chuộng những món ăn được chế biến từ loại rêu suối này.

Rêu được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn nhưng ngon nhất, đặc trưng nhất phải kể đến món rêu nướng. Rêu được nêm nếm với các loại rau thơm, gia vị rồi gói vào lá chuối hoặc lá dong, sau đó dùng kẹp tre nướng trên bếp than hồng.

Rêu nướng thường được ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà… vô cùng hấp dẫn.

Độc đáo món ăn đặc sản mọc trên đá nơi bờ suối chỉ có ở Tây Bắc, ăn vào có vị bùi, lạ miệng - Ảnh 4.

Chị Lò Thị Thích (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về các công đoạn làm sạch và chế biến rêu đá. (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Kiều Nam, một thực khách đến từ Thái Nguyên cho biết, anh vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức món rêu xào khi đến với Yên Bái.

"Khi ăn có cảm giác rêu mềm, hương vị đặc trưng, bùi bùi, thoang thoảng cả vị của nước suối, ăn một lần là nhớ mãi," anh Nam cho hay.

Theo bà con dân tộc vùng Tây Bắc, các món ăn từ rêu không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có tác dụng chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

Độc đáo món ăn đặc sản mọc trên đá nơi bờ suối chỉ có ở Tây Bắc, ăn vào có vị bùi, lạ miệng - Ảnh 5.

Món rêu xào khi ăn có vị bùi, thơm ngon bởi nhiều loại gia vị (Ảnh: Hà Thanh)

Các món ăn chế biến từ rêu đá không chỉ đơn thuần là nét ẩm thực vùng miền mà còn thể hiện giá trị và nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem