Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng đang ẩn giấu điều gì?

Thái Bình Thứ ba, ngày 16/05/2017 10:06 AM (GMT+7)
Năm 2016, Long Giang Land hoành tráng ra mắt thương hiệu Rivera Park kèm theo 2 dự án tiêu điểm ở Hà Nội (69 Vũ Trọng Phụng) và TP.HCM. Sau những cú bắt tay, ký kết với các bên liên quan, hiện Rivera Park Hà Nội của liên danh Long Giang – Vinaremon đang vào mùa hái quả. Bất ngờ, khu đất dự án rơi vào danh sách mà Bộ Tài chính đề xuất cơ quan thanh tra tham khảo.
Bình luận 0

Ngay sau cổ phần hóa, đã lăm le "nuốt" 11.000m2 đất nhà xưởng?

Những ngày qua, thông tin hàng loạt dự án lớn xuất hiện trong danh sách Bộ Tài chính (căn cứ báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ 1.7.2014 đến 30.11.2016) gửi Thủ tướng Chính phủ đã hâm nóng thị trường BĐS. Trong đó, Bộ Tài chính nhắc tới kết quả rà soát 60 trường hợp DNNN, DNNN cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

img

Đôn đáo sau nhiều năm, liên danh Long Giang land - Vinaremon mới chỉ  chuyển đổi thành công ngót 4.000m2 (trong tổng số khoảng 11.000m2 đất nhà xưởng) 69 Vũ Trọng Phụng?

Trong các nội dung "nóng" bao trùm các DN này (trong đó có hơn 20 trường hợp tại TP Hà Nội), Bộ Tài chính đề cập tới vấn đề "thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007 của Thủ tướng Chính phủ, được UBND tỉnh, thành cho phép chuyển đổi mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định tại điều 118 Luật Đất đai 2013".

Ở danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, khu đất 69 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) được dư luận người mua nhà đặc biệt chú ý – bởi đây chính là siêu dự án Rivera Park Hà Nội của Long Giang Land và Vinaremon.

Năm 2016, dự án (nằm trên khu đất hơn 10.000m2 đất – nguyên là nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Tu bổ văn hóa trung ương – Vinaremon) ghi nhận mức đầu tư vọt trên 1.300 tỷ đồng, diện tích xây dựng khoảng 4.000m2 đã giúp Long Giang Land (pháp nhân chủ đầu tư liên danh với Vinaremon) gây ngỡ ngàng thị trường vì việc một nhà thầu (sở trường của Long Giang) "tiến sâu" vào đầu tư địa ốc là xưa nay hiếm.

Năm 2016, ghi nhận 2 khoản vay từ SHB và BIDV phục vụ đầu tư các dự án (gồm cả 69 Vũ Trọng Phụng). Tuy nhiên, với khoản vay dài hạn 500 tỷ từ BIDV (hợp đồng tín dụng ký tháng để "nuôi" dự án Rivera Park Hà Nội, Long Giang Land "quên" không thuyết minh cụ thể tới vấn đề bảo lãnh khoản vay. Đến đây, có ý kiến cho rằng, bóng dáng của "trùm thâu tóm đất vàng" Đỗ Quang Hiển đang phảng phất tại dự án đất vàng quận Thanh Xuân thông qua dòng tiền liên thông từ nhà băng...

Thực chất, dự án này từng được Vinaremon ấp ủ từ trước năm 2010 (2007-2012 hợp tác kinh doanh với Long Giang Land thực hiện dự án). Như vậy, ngay sau thời điểm cổ phần hóa (2006), Vinaremon (với sự góp mặt của đối tác Long Giang) đã lên kế hoạch thực hiện dự án trên khu đất nhà xưởng của mình tại 69 Vũ Trọng Phụng trong bối cảnh mục đích sử dụng đất (đang là nhà xưởng, cho thuê) vẫn chưa được chuyển đổi một cách minh bạch công khai.

Tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục pháp lý dự án (cũng như pháp lý sử dụng đất) lại không dễ dàng. Phải tới năm 2015, dự án mới được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, số phận 6.000m2 đất còn lại của khu đất dự án vẫn chưa rõ ràng về mục đích sử dụng ở thời hiện tại?! Phải chăng, chính cái cách thực hiện dự án "đi tắt đón đầu" của chủ khu đất 69 Vũ Trọng Phụng những năm 2010 đã khiến Rivera Park ngày hôm nay (do Long Giang đạo diễn) lọt vòng ngắm thanh tra?

Rivera Park Hà Nội = vỏn vẹn 2 block nhà cao tầng?

Đất dự án nguyên là đất nhà xưởng của Vinaremon (được Nhà nước giao quản lý, sử dụng). Tại ĐHĐCĐ năm 2014, Ban lãnh đạo Vinaremon đeo đuổi mục tiêu "GPMB ngõ 69 Vũ Trọng Phụng, hoàn thành công tác chuyển đổi mục đích, hợp thức pháp nhân sử dụng đất để quý I.2015 có thể khởi công dự án". Cũng năm này, thông tin rò rỉ nội bộ Vinaremon cho thấy "Năm 2013, dự án đã được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt dự toán chi phí phục vụ công tác GPMB... Do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, chưa hoàn thành công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án".

img

Nếu phần diện tích đất còn lại không thể chuyển đổi sang mục đích thương mại, Rivera Park Hà Nội sẽ chỉ còn "trơ lại" 2 block nhà cao tầng - và không có sân vườn, tiện ích ngoài trời? 

Tới cuối tháng 11.2015, dự án mới được cấp GPXD cho Long Giang land – đối tác đồng chủ đầu tư với Vinaremon. Tuy nhiên, GPXD thể hiện, dự án chỉ được cấp phép xây dựng cho tổng cộng gần 4.000m2 đất hiện trạng (2 khối nhà cao tầng) – con số gần khớp 100% với phần đất đã được phép chuyển mục đích nêu trong danh sách của Bộ Tài chính gửi Thanh tra Chính phủ.

Đến đây, xuất hiện khả năng Long Giang Land và Vinaremon mới chỉ chuyển đổi thành công mục đích sử dụng gần 4.000m2 (trong tổng số hơn 11.000m2 đất 69 Vũ Trọng Phụng) để xây dựng dự án Rivera Park Hà Nội. Trong khi đó, theo quảng cáo thiết kế, Rivera Park Hà Nội hứa hẹn sẽ có các tiện ích về bể bơi ngoài trời (nằm ngoài phần đất xây 2 block nhà cao tầng) , sân vườn cảnh quan phục vụ cư dân tương lai.

Vậy, với thực tế chưa hoàn thành chuyển đổi tất cả khu đất, liệu dự án sẽ cho người mua "ăn bánh vẽ" về tiện ích cuộc sống ngoài căn hộ? Nếu phần đất còn lại bị thu hồi (hoặc sử dụng vào mục đích khác ngoài dự án), tương lai công trình chỉ còn duy nhất 2 tòa nhà cao tầng sẽ xảy đến?

Tại kỳ ĐHĐCĐ bất thường 2016 (tháng 3), Long Giang tuyên bố đã được tổ chức tín dụng chấp thuận chủ trương cho vay vốn để thực hiện dự án (trong đó có Rivera Park Hà Nội). Tháng 8.2016, Long Giang Land bất ngờ  "cầu cứu" Vinaremon huy động vốn mua nhà từ CBCNV của Vinaremon theo dạng góp vốn. Lý do: Dự án chưa được tài trợ tín dụng và cũng chưa bán nhà cho khách hàng nên nhu cầu vốn rất khó khăn. Đồng thời, "dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất – khoảng 184 tỷ đồng"...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem