"Rốn cá đồng" Cà Mau ở đâu, vì sao đến mùa chụp đìa, các thầy đìa lại thấy lòng nôn nao?

Chúc Ly - Ngọc Hồng Thứ năm, ngày 17/06/2021 12:54 PM (GMT+7)
Với những ai sinh ra và lớn lên ở vùng đất U Minh Hạ (Cà Mau), chụp đìa bắt cá đồng trở thành một phần ký ức khó quên. Và những người theo nghề chụp đìa cũng được người dân gọi bằng cái tên thân thương - thầy đìa.
Bình luận 0

Chụp đìa – cách bắt cá sáng tạo

Cà Mau từng có nơi người ta gọi là miệt rừng. Miệt rừng thuộc các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình. Nơi đây từng được biết đến là "rốn cá đồng" của tỉnh Cà Mau. Và mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân có thể chụp đìa bắt hàng trăm ký cá đồng. Còn ngày nay, nói đến cá đồng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất U Minh Hạ.

Theo người dân địa phương, từ thời khai hoang mở đất, dân tứ xứ đến U Minh Hạ sinh sống. Và họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề khai thác cá đồng. Bằng sự sáng tạo của mình, người dân thu hoạch cá bằng nhiều cách như tát đìa, mò cá... Nhưng chụp đìa được xem là cách sáng tạo và độc đáo nhất.

Về U Minh Hạ xem bắt cá đồng - Ảnh 1.

Hàng trăm kg cá đồng được thu hoạch bằng cách chụp đìa. Ảnh: Chúc Ly

Hàng năm, khi đến mùa chụp đìa lòng tôi lại nôn nao, cứ đi ra đi vào rồi lại mang lưới ra vá để chờ ngày cất mẻ lưới. Có lẽ, tôi đã nghiện cái nghề này mất rồi".

Ông Nguyễn Hữu Duyên

Sở dĩ người ta xem chụp đìa là hình thức bắt cá sáng tạo, bởi không cần tát hết nước nhưng vẫn bắt được cá. 

Theo đó, chụp đìa đơn giản là dùng lưới bao quanh ao hay đoạn kênh xáng. Sau đó, dùng các loại cây tạp ghim thưa trên thành lưới cách mặt nước khoảng 1 tấc, rồi để khoảng 4 giờ cho cá ngộp. 

Lúc này, hạ lưới chìm xuống đáy ao khiến cá không thể hô hấp, chúng buộc phải tìm đến những điểm ghim thưa cặp mé bờ hô hấp rồi phóng vào trong lưới.

Trong một lần may mắn, chúng tôi đã được ông Nguyễn Hữu Duyên (46 tuổi, ngụ ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), người có gần 30 năm gắn bó với nghề chụp đìa, chia sẻ nhiều điều thú vị về nghề.

Ngày nay, khi lượng cá đồng giảm mạnh thì những người theo nghề chụp đìa không còn nhiều. Cũng vì vậy, để tìm được những thầy đìa giỏi, nhiều kinh nghiệm lại càng khó. Và ông Duyên là một trong những thầy đìa như vậy.

Về U Minh Hạ xem bắt cá đồng - Ảnh 3.

Chụp đìa là hình thức bắt cá sáng tạo, bởi không cần tát hết nước nhưng vẫn bắt được cá. Ảnh: C.L

Ông Duyên cho biết: Những năm sau này, khi số lượng cá đồng giảm, nghề chụp đìa từ đó cũng ít người theo. Vậy nên, ngày nay đội chụp đìa (3 - 4 người) thường được trả công khoảng 1,6 triệu đồng/lượt. Ai còn bám trụ được với nghề sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể trang trải cuộc sống.

Với chi phí khoảng 70 triệu đồng, ông Duyên có một tay lưới chụp đìa hoàn chỉnh với chiều dài khoảng 200m, sử dụng được hơn chục năm.

"Trước khi chụp đìa khoảng 1 ngày, chúng tôi rào kín các họng đìa, ngăn cá nhảy ra ngoài. Thông thường, bắt cá ở rừng sẽ thu được nhiều cá đồng. Số lượng vài trăm kg cá đồng là chuyện bình thường" - ông Duyên chia sẻ.

Tiềm năng phát triển du lịch

Ngày nay, khi lượng cá đồng giảm mạnh thì chụp đìa đã trở thành ký ức với nhiều người. Nhiều bạn trẻ không thể mường tượng được chụp đìa bắt hàng trăm kg cá đồng là như thế nào. Nắm được thực tế đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ đã tổ chức tái hiện lại cảnh chụp đìa. Và chụp đìa bắt hàng trăm kg cá đồng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Thành Thật (ngụ TP.Cần Thơ) cho biết anh và gia đình cảm thấy rất vui khi được chứng kiến cảnh người dân chụp đìa bắt cá.

"Tôi sinh ra, lớn lên tại Cà Mau tuy nhiên do cuộc sống mưu sinh nên phải xa quê lập nghiệp. Nhìn cảnh mọi người chụp đìa tôi lại nhớ lại lúc còn nhỏ khi cùng cha mẹ đi chụp, tát đìa bắt cá" - anh Thật bồi hồi nhớ lại.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tâm (20 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho hay, khi trở về sẽ giới thiệu và cùng bạn bè trở lại Cà Mau để có trải nghiệm những thú vị và thưởng thức những món ăn ngon từ các loại cá đồng.

"Đây là lần đầu tôi được chứng kiến cảnh người dân chụp đìa bắt nhiều cá đồng như vậy. Đối với tôi, đây là trải nghiệm đáng nhớ nhất khi về Cà Mau"- chị Tâm chia sẻ.

U Minh Hạ với nguồn lợi cá đồng phong phú và đang được tích cực bảo tồn. Cộng với những cánh rừng tràm bạt ngàn cùng vô số đặc sản dưới tán rừng được thiên nhiên ưu ái. Nếu khai thác tốt các lợi thế trên, nhiều người tin rằng trong tương lai không xa ngành du lịch Cà Mau sẽ là trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Từ đó, không chỉ góp phần giữ gìn các nghề truyền thống, mà còn giúp nâng cao đời sống người dân. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem