Rộn rã lễ hội Gầu Tào - lễ hội lớn nhất của người Mông ở Lào Cai

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 11/02/2019 09:00 AM (GMT+7)
Trong 3 ngày từ mùng 5 đến mùng 7 Tết, lễ hội Gầu Tào của người Mông đã được tổ chức ở thôn Ngài Ma, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mông, với những nghi thức, hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, thể dục - thể thao đậm đà truyền thống bản sắc dân tộc.
Bình luận 0

img

Lễ hội đã thu hút đông đảo bà con dân tộc Mông các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau cùng tổ chức. Hiện nay, một số xã đã đứng ra tổ chức lễ hội này với quy mô lớn và coi như một lễ hội thường niên của địa phương. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Lễ hội được tiến hành vào tháng Giêng hàng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Mỗi năm người ta trồng một cây nêu để gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Khi thấy cây nêu cao giữa bãi đồi Hầu Tào, mọi người trong vùng biết năm ấy có hội Gầu Tào. Không khí lễ hội từ đó bắt đầu nhộn nhịp, mọi người thông tin cho nhau ở chợ, ở trên đường, trong xóm… về lễ Gầu Tào và tập luyện để chơi hội Gầu Tào. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi như đá bóng, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Người thạo múa khèn sẽ luyện lại các bài khèn, giọng khèn, động tác múa khèn và chỉ bảo cho con cháu cùng luyện tập. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng chúng bạn, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Cây mía được bày bán nhiều ở lễ hội Gầu Tào. Theo quan niệm của người Mông, vị ngọt của mía tượng trưng cho vị ngọt của cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp. Những dóng mía có thể dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới để sum vầy cùng con cháu trong những ngày đầu tiên đầy ý nghĩa của năm. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

img

Trong các lễ hội ở vùng cao, không thể không kể đến không gian ẩm thực với các món ăn đặc sắc như phở chua, mèn mén, thắng cố, bánh dày... thêm một ly rượu ngô nồng ấm đậm đà phong vị vùng cao. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Phụ nữ Mông xem hội. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Một em bé Mông thích thú với kem chiếc kem que mát lạnh của mình. Trong 3 ngày lễ hội Gầu Tào diễn ra, thời tiết nắng nóng khiến những loại đồ ăn lạnh trở nên đắt khách. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

img

Nụ cười của các em nhỏ khi theo mẹ đi tham gia lễ hội. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem