Lên mạng bán hàng
Cơ sở làm bánh, mứt Hạnh Phúc (2/41 khu Đô thị Chí Linh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) đã bắt đầu khởi động cho ra những mẻ mứt dừa đầu tiên để người dân thưởng thức dịp tết, để người xa quê có quà về thăm nhà.
“Năm nào cũng vậy, cứ cuối tháng 11 âm lịch là tôi bắt đầu mua dừa trái để làm mứt. Trước mối lo về sự mất an toàn đối với thực phẩm, nhất là trong dịp tết, mứt dừa của cơ sở tôi được làm theo phương thức thủ công, hương vị tự nhiên, không phẩm màu, không hóa chất, nên được người tiêu dùng ưa chuộng” - chị Võ Thị Thu Hạnh cho biết.
Lò mứt tết của chị Võ Thị Thu Hạnh tất bật sản xuất. Ảnh: P.T
"Từ việc chọn dừa trái, xay các loại rau củ quả như lá dứa, hạt dành dành, quả gấc, củ dền… để pha trộn màu đến rim mứt, mình đều đăng lên Facebook và giới thiệu với mọi người. Qua đó, họ đặt hàng mình ăn thử, thấy ngon, chất lượng nên đặt tiếp...”.
Chị Võ Thị Thu Hạnh
|
Qua Facebook Võ Hạnh, khách đặt mua mứt dừa của chị Hạnh không chỉ những người thân, bạn bè mà ngay cả khách ở các tỉnh, thành phố khác cũng đặt mua với số lượng lớn. Hiện tại chị Hạnh bán mứt dừa 200.000 đồng/kg.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết là tôi mua hơn 10kg mứt dừa của cơ sở Hạnh Phúc để gửi về quê làm quà. Mứt dừa ở đây làm rất mềm, dẻo, thơm ngon, hơn nữa đảm bảo vệ sinh trong các khâu chế biến nên tôi yên tâm mua về sử dụng” - bà Nguyễn Thị Hòa (phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết.
Chị Hạnh chia sẻ: “Từ việc chọn dừa trái, xay các loại rau củ quả như lá dứa, hạt dành dành, quả gấc, củ dền… để pha trộn màu đến rim mứt, mình đều đăng lên Facebook và giới thiệu với mọi người. Qua đó, họ đặt hàng mình ăn thử, thấy ngon, chất lượng nên đặt tiếp; đồng thời giới thiệu thêm bạn bè cùng mua. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết, khách đặt hàng liên tục nên tôi phải làm ngày làm ngày đêm để kịp giao”.
Với gia đình chị Nguyễn Thị Vân (khu phố 3, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), đã 10 năm nay, cứ đến dịp tết là cả nhà tất bật làm mứt gừng để bán. Những năm gần đây, do hàng ngoại về nhiều cộng với nhiều công ty bánh kẹo trong nước cũng tham gia vào thị trường này nên bánh, mứt truyền thống gặp không ít khó khăn. Chị Vân cho biết: “Cách đây 7 - 8 năm, mỗi dịp tết, gia đình tôi làm từ gần 1 tấn gừng. Vài năm trở lại đây, bán được 300kg gừng đã là mừng rồi”. Chị Vân cũng chia sẻ thêm, giá mứt gừng năm nay sẽ tăng thêm 10.000 đồng/kg, lên 170.000 đồng/kg, do giá gừng tươi tăng.
Làm với chữ “tâm”
Theo chị Vân, hiện nay ngoài thị trường bán rất nhiều mứt gừng với lát gừng to, rất đẹp, nhưng người tiêu dùng không dám mua vì sợ dùng chất tẩy trắng. Do đó, thay vì chọn gừng cao sản, thì chị Vân dùng gừng sẻ để làm mứt. Tuy màu sắc không được trắng đẹp, lát gừng cũng nhỏ, thậm chí bị nát, nhưng được cái gừng sẻ có mùi thơm và cay đặc trưng, nên người dùng rất thích.
Tuy nhiên, về mức độ an toàn thực phẩm theo kiểu truyền thống cũng còn tùy thuộc vào sự cẩn thận và có tâm của người làm. Bởi sản phẩm “nhà làm” không sử dụng các chất phụ gia hay hương liệu mua sẵn. Song trong quá trình chế biến, nếu dụng cụ đựng nguyên liệu, môi trường chế biến không sạch sẽ, hoặc công đoạn bảo quản không tốt thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoàn toàn có thể xảy ra.
Một trong những đặc sản mùa tết có tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng ít người biết đến là mứt hạt bàng. Mứt hạt bàng là sản phẩm xuất xứ từ huyện Côn Đảo. Hạt bàng sau khi nhặt về được phơi khô, sau đó chẻ tách lấy hạt. Khi chẻ, người làm phải nhẹ tay, nếu không hạt sẽ bị vỡ.
Để có được 1kg nhân hạt bàng, người làm mứt phải chẻ hết 1 bao trái bàng khô nặng khoảng 50kg. Để có một mẻ mứt, người làm phải rang liên tục hơn 1 giờ đồng hồ. Khi rang phải để lửa nhỏ và đảo đều tay để hạt bàng không bị cháy.
“Mứt hạt bàng dễ làm nhưng rất công phu, giỏi lắm mỗi ngày một người chỉ làm được 1kg sản phẩm, bán với giá hiện nay vào khoảng 350.000 – 400.000 đồng/kg”, một chủ cơ sở hạt bàng ở đường Nguyễn Huệ (Côn Đảo) cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.