Rộn ràng sới vật đầu xuân

Chủ nhật, ngày 05/02/2012 19:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên cả nước, có hàng trăm sới vật được tổ chức giúp bà con tận hưởng thêm những ngày xuân rộn ràng. Riêng huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng có hơn chục sới vật diễn ra từ mùng 4 Tết cho tới rằm tháng Giêng...
Bình luận 0

Miếng đánh hoàn hảo và tinh thần thượng võ

So với sới vật làng Bùng (Phùng Xá), làng Núc (Canh Nậu), Phú Lễ, Phú Kim, Đông Quang, Ngô Tề (Quốc Oai)… năm nay, sới vật làng Phú Ổ (Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) diễn ra muộn nhất. Mặc kệ mưa phùn rét mướt, ngày khai mạc 2.2 (11 tháng Giêng) vẫn có hàng nghìn dân làng quây quần ở sân đình chứng kiến các “ông đô” so tài.

“Ngoài ý nghĩa vui chơi, hội vật chính là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa làng từ ngàn xưa. Thời tôi còn trẻ, tự hào vì làng có đô vật Cấn Văn Thuận nức tiếng miền Bắc” - ông Phí Đình Chiên (61 tuổi)-người được BTC mời “vật thờ” khai mạc giải tâm sự.

img
Hội vật đầu xuân làng Phú Ổ diễn ra rất sôi động.

Các đô vật so tài tại giải không chỉ là người trong làng, mà có không ít VĐV từ làng khác tới giao lưu, khiến sới vật thêm sôi động: “Không chỉ gia đình tôi và hầu hết các gia đình trong làng đều có truyền thống vật. Năm 1987, tôi đi bộ đội được nghỉ phép về tham dự luôn hội vật làng Bùng kế bên và được giải Ba. Năm 1992, vợ tôi sắp sinh cháu đầu lòng vẫn động viên tôi đi dự giải vật Hà Tây và được giải Nhì.

Sau mỗi “chiến công” đều cảm thấy tự hào, hãnh diện lắm. Đi đến đâu cũng được tôn trọng, ngưỡng mộ. Cháu gái tôi là Nguyễn Thị Thanh (26 tuổi) cũng là kiện tướng nữ QG, từng đoạt HCV giải trẻ QG và có tên trong danh sách ĐTQG” - ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, Trưởng BTC giải làng Phú Ổ hào hứng cho biết.

Chuyên nghiệp cũng phải ngán

Vật hội làng không tính thời gian như thi đấu chuyên nghiệp. Các đô vật cũng chẳng tập luyện gì, quanh năm ai làm việc nấy nhưng khi có hội là lập tức… nghỉ việc, sẵn sàng đua tài. Bước vào sới, vật đến mệt thì mới tạm nghỉ giữa các hiệp trong khoảng 5-10 phút, sau đó vật tiếp cho tới khi có người lấm lưng trắng bụng mới thôi. Vậy nên mới có những cuộc đọ sức kéo dài với thời gian kỷ lục từ sáng tới tối.

Móng tay của các đô vật được BTC kiểm tra rất khắt khe để tránh gây chấn thương cho đối thủ. Tuy nhiên, các VĐV lại không bị cấm… uống rượu khi vào sới: “Nếu ai thích chút hơi men trước khi thi đấu thì cứ tự nhiên, nhưng thua knock-out chóng vánh trong khoảng chục giây ê mặt thì cũng cố mà chịu” - ông Đỗ Quang Môn là Trưởng thôn 1, Phú Ổ, thanh viên BTC giải vừa cười nói vừa chỉ đạo những động tác cho con trai của mình là Đỗ Văn Long (23 tuổi) đang quần nhau với đối thủ trong sới vật.

Nhà vô địch có thể nhận được 15-20 triệu đồng: “Với sự hỗ trợ của xã, giải Nhất sẽ nhận được 3 triệu đồng, giải Nhì là 2 triệu đồng, hai giải Ba mỗi giải 1 triệu đồng. Nhưng chỉ trong ngày khai mạc, chúng tôi đã nhận được thêm gần 20 triệu đồng tiền ủng hộ từ các cá nhân. Những ngày tới (hội vật làng Phú Ổ diễn ra từ 11 đến 14 tháng Giêng-PV) có thể số tiền ủng hộ còn tăng thêm đồng nghĩa với tiền thưởng sẽ nhiều hơn nữa” - ông Đỗ Quang Môn nói.

Cho đến giờ, người dân Thạch Thất vẫn kể đi kể lại câu chuyện vui về việc “độc cô cầu bại” Mẫn Bá Xuân từng nhiều năm vô địch QG, SEA Games từng chịu thất bại khi tới làm khách tại làng Bùng năm 2009. Năm ấy, Mẫn Bá Xuân về làng được đón tiếp rất… cẩn thận. Sau khi thắng chật vật một đối thủ sau 9 hiệp, anh đã phải nhận thua 1 VĐV đang là sinh viên ĐHTDTT Từ Sơn vì “mãnh hổ nan địch quần hồ”.

Ở sới vật làng, điều gì cũng có thể xảy ra. Một “ông đô” thiếu niên có thể đánh đổ một đàn anh thanh niên trai tráng như thường. Một đô vật mới nhìn trông ốm nhom thường cười “đểu” khi lâm trận vẫn có thể hạ gục một gã “khổng lồ” hừng hực khí thế: “Chính tính chất bất ngờ của các trận đấu đã cuốn hút chúng tôi. Hội vật làng tôi vừa kết thúc nhưng khi nghe có hội vật làng Phú Ổ, tôi nghỉ chạy xe lam, rủ mấy bạn cựu chiến binh đến xem” ông Đỗ Trọng Tài (67 tuổi, thương binh hạng 1, Ngọc Phú, Ngọc Hiệp, Quốc Oai) chia sẻ.

Vào dịp lễ hội, các hàng quán cũng mọc lên nhiều hơn xung quanh sới vật để phục vụ các du khách: “Vào dịp lễ hội, nhà nào có công việc đều cố gắng thu xếp xong từ trước đó để có thể chơi hết mình. Bán hàng nước từ sáng, ước tính cả ngày tôi cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Nhưng chủ yếu bán cho vui, cho có không khí lễ hội vì bây giờ chưa bận việc mùa màng” - bà Đỗ Thị Lan (53 tuổi, xóm Đồi, Phú Ổ) cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem