Rủ nhau học làm bún, trồng rau an toàn

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 22/11/2016 06:45 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn tăng cao. Vì vậy, ngày càng nhiều nông dân có mong muốn được học nghề để sản xuất thực phẩm an toàn, dù đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Bình luận 0

An toàn từ khâu sản xuất

Chỉ trong 2 năm (2015 -2016) Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Phát triển tỉnh Bắc Kạn đã mở được hàng chục lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, mà đối tượng chủ yếu là phụ nữ. Chị Triệu Thị Hường - Trưởng nhóm Rau an lành Phúc Lộc (thôn An Phúc, Nguyên Phúc, Bạch Thông, Bắc Kạn) từng là học viên lớp dạy nghề trồng rau hữu cơ cho biết: “Không chỉ được dạy kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, chúng tôi còn được giáo viên dạy kỹ thuật làm phân vi sinh từ chế phẩm sinh học và phế phẩm nông nghiệp”.

img

HTX chế biến bún khô 20.10 (Nông Hạ, Chợ Mới, Bắc Kạn). Ảnh:  Minh Nguyệt 

Thời gian gần đây, học nghề làm nông sản “hút” nông dân là bởi tâm lý của họ đã thay đổi. Hầu hết nông dân đều mong muốn được tham gia sản xuất hàng hóa an toàn, cung ứng thị trường với  số lượng lớn, thu lợi nhuận cao. Nhiều người sau học nghề đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại, mở tổ nhóm, HTX sản xuất nông sản. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm “đầu ra” của nông sản mà mô hình này vẫn còn hạn chế”.

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH)

Sau khi học nghề, các học viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình ghi chép. Mỗi hội viên của tổ rau an toàn có 2 cuốn sổ. Một cuốn là “Nhật ký đồng ruộng” ghi lại tình hình làm đất, bón phân, sử dụng chế phẩm vi sinh, cắt rau… Một cuốn khác để ghi thông tin về ngày nhập rau, ngày bán, số tiền theo từng tuần, từng vụ.

Không chỉ thành công trong mô hình dạy nghề trồng rau hữu cơ, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Phát triển Bắc Kạn còn dạy thêm cả nghề làm bún, phở khô. Bà Nguyễn Thị Nga - thành viên của HTX 20.10 (Nông Hạ, Chợ Mới, Bắc Kạn) cho biết, lớp học làm bún khô đặc biệt phù hợp với phụ nữ nông thôn. “Trong quá trình học nghề, chúng tôi cũng được học về kỹ thuật chế biến bún khô an toàn. Kết thúc khóa học, các hội viên được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã thành lập HTX. 100% thành viên của HTX đều thi lấy chứng chỉ về an toàn thực phẩm” - bà Nga nói.

Vẫn khó “đầu ra”

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn ngày càng cao, nông dân cũng mong muốn được học nghề để sản xuất thực phẩm theo chuẩn VietGAP, sản phẩm hữu cơ ngày càng nhiều, nhưng do gặp khó về đầu ra nên nhiều đơn vị đã phải tính toán lại việc dạy nghề.

Bà Hà Thị Thúy Chiều- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Phát triển tỉnh Bắc Kạn – đơn vị thực hiện những lớp dạy nghề sản xuất nông sản an toàn trên cho biết, mặc dù 99% học viên sau học nghề của trung tâm đều có việc làm, nhưng tính bền vững chưa cao do giá thành cao. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch vùng sản xuất nông sản an toàn. Chính vì vậy, dù nhiều bà con mong muốn được học nghề nhưng trung tâm chỉ nhận đào tạo một số lớp rất khiêm tốn” - bà Chiều nói.

Để giải quyết những khó khăn này, trung tâm liên kết với nhiều đơn vị để hỗ trợ học viên sau khi học nghề. Một số sản phẩm tốt của học viên ví dụ như rau an toàn của tổ nhóm Phúc Lộc, hay bún khô, phở khô sẽ được trung tâm giới thiệu, quảng bá tại quầy giới thiệu sản phẩm của Hội Phụ nữ tỉnh. Đồng thời, trung tâm cũng gửi đi tham gia trưng bày ở các hội trợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem