“Rủ nhau” làm trái luật

Thứ năm, ngày 15/07/2010 13:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều nông dân đang bị Công ty Đồng Tháp 1 buộc phải rời khỏi mảnh đất mà họ dày công vun xới gần 20 năm qua. Nhiều việc làm trái luật của Công ty, chính quyền địa phương góp phần vẽ nên bức tranh màu tối ở một góc Đồng Tháp Mười.
Bình luận 0
 img
Người dân đang làm thuê trên đất nhà nước.

Xài “chùa” đất công

Đến năm 2000, Công ty Đồng Tháp 1 mới được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên đến cuối năm 2009, UBND tỉnh Long An mới làm hợp đồng cho doanh nghiệp “thuê” gần 900 ha đất ở xã Hưng Điền với giá chỉ 221 triệu đồng/năm, quy ra lúa, doanh nghiệp trả chưa đến 60kg/năm. Từ thời điểm này trở về trước, diện tích đất khổng lồ này doanh nghiệp được “xài chùa” vì không phải trả tiền thuê đất cho nhà nước.

Theo hợp đồng thuê đất ký đến năm 2029, nếu tính đến tỷ lệ trượt giá thì càng về sau doanh nghiệp càng hưởng lợi vì hợp đồng thuê được tính bằng tiền và giá thuê theo hợp đồng là không thay đổi trong suốt 5 năm. Trong khi đó, người dân phải trả cho doanh nghiệp bằng lúa, từ 410 kg/ha tăng lên đến 750 kg lúa/ha! Điều ai cũng có thể thấy là tiền thuê đất doanh nghiệp trả cho nhà nước tỷ lệ nghịch với tiền thuê đất, càng trượt giá công ty càng hưởng lợi.

Trao đổi với NTNN, ông Vũ Ngọc Bần - Giám đốc Công ty Đồng Tháp 1 khẳng định: “Theo Nghị định 170 của Chính phủ ban hành ngày 2-4-2004, đất UBND tỉnh Long An cấp cho công ty thuộc diện không phải nộp tiền sử dụng đất vì thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Sau khi chuyển sang loại hình Công ty TNHH một thành viên, Công ty muốn thực hiện 5 quyền theo Luật Đất đai, phải đóng tiền sử dụng đất mới giao dịch được với ngân hàng”(!).

Chỉ vì “muốn giao dịch với ngân hàng” để thực hiện những mục đích kinh doanh (không phải cho mảnh đất đang giao khoán) nên công ty sẵn sàng từ chối đặc quyền được miễn tiền sử dụng đất của mình. Sự “hy sinh” này hoàn toàn có lợi vì đã có nông dân gánh hết. Khi ông Bần đóng cho nhà nước 221 triệu đồng mỗi năm thì số tiền dân phải nộp cho ông cao hơn rất nhiều so với con số đó.

 img
Dãy nhà không nóc của dân nghèo ở xã Hưng Điền.

Giao đất trái luật

Theo điều 1 của Nghị định 01/CP ngày 4-1-1995 “Ban hành bản quy định v/v giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các DNNN” thì “đơn vị thực hiện giao khoán đất phải là đơn vị trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Đồng Tháp 1 kinh doanh đa ngành nghề (giao thông, xây dựng, san lấp mặt bằng, mua bán xăng dầu…), nhân sự “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” gần như không có nên việc được giao đất là chưa đúng đối tượng.

Trong báo cáo năm 2009 (lúc nông dân nhận khoán mức 400kg lúa/ha/năm) gửi các ngành chức năng tỉnh Long An, Công ty Đồng Tháp 1 cho biết nông dân lãi 1,5 triệu đồng/ha/vụ (3 triệu đồng/ha/năm). Theo giá sàn thu mua lúa của Chính phủ (4 nghìn đồng/kg) thì lãi mỗi ha sẽ là 750kg/năm. Khi Công ty tăng mức khoán lên 750kg lúa/ha/năm đồng nghĩa với việc họ sẽ thu sạch phần lợi nhuận còn lại mà người nông dân lam lũ quanh năm mới có được.

Điều 4 mục 1 nghị định này ghi rõ: “Quỹ đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho bên giao khoán sử dụng vào mục địch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản”. Năm 1995 Đồng Tháp 1 chưa được UBND tỉnh Long An giao đất (đến ngày 19-9-2000 mới có quyết định giao) nhưng vẫn “mạnh dạn” làm hợp đồng với dân đến năm 2015 là trái quy định!

Trong khi người nông dân không ruộng thì hàng trăm cán bộ từ huyện tới tỉnh không làm ruộng ngày nào lại được cấp đất vô tư. Nhiều năm trước, các ông như ông Thượng, ông Tưởng, ông Út, ông Hữu… là cán bộ nông trường khi được giao đất đều “sang tay” cho nông dân để lấy lời.

Năm 1994, tỉnh Long An thành lập huyện mới Tân Hưng tách ra từ huyện Vĩnh Hưng. Lãnh đạo huyện Tân Hưng xin tỉnh cho cắt 400ha từ vùng đệm của Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với lý do “có quỹ đất công phục vụ bồi thường cho dân khi thu hồi đất xây dựng các công trình mới”. Thế nhưng quỹ đất này sau đó được dùng để cấp cho cán bộ… “cải thiện đời sống”. Có 238 cán bộ trong huyện được UBND huyện Tân Hưng cấp tổng cộng 332,5ha đất, trung bình mỗi người gần 1,5ha. Nhiều cán bộ trên tỉnh, ở huyện khác cũng được “chia phần” từ 5 - 10ha.

Đến năm 2007 thời hạn “cho mượn” quỹ đất công kết thúc, UBND huyện Tân Hưng chuyển sang cho cán bộ “thuê” đất với giá 7 triệu đồng/ha/10 năm (700 nghìn đồng/ha/năm). Nhận đất xong, cán bộ cho nông dân nghèo không ruộng thuê lại với giá cao gấp hàng chục lần giá UBND huyện cho thuê (khoảng 7 - 14 triệu đồng/ha/năm)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem