Hành trình đến… đói nghèo

Thứ tư, ngày 14/07/2010 14:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến vùng đất mà bà Phới sinh sống, chúng tôi đã bật khóc trước những mảnh đời khốn khó. Cuộc sống của họ gắn liền với đói nghèo vì “cần câu cơm” của họ đang do người khác nắm giữ…
Bình luận 0

Đi dọc các tuyến dân cư của Nông trường Đồng Tháp 1, đập vào mắt chúng tôi là cảnh nhà cửa tiêu điều, xơ xác. Những mái lá mục nát, bé hơn cả cái chòi vịt lại là “mái ấm” của nhiều gia đình nông dân.

 img
Bữa cơm dưới mái tranh tồi tàn của ông Võ Văn Lẫy.

Đói trên vựa lúa

Căn nhà lá mà vợ chồng anh Tăng Văn Nghiệp cùng 3 đứa con cất giữa cánh đồng rung lên bần bật khi có cơn gió nhẹ thổi qua. Gọi là nhà, nhưng nó còn tệ hơn cái chòi vịt, chỉ có một tấm vách rưỡi và mái lá mục nát che nắng. Anh Nghiệp chẻ tre ghép làm chỗ ngủ cho 5 con người.

Ngoài mấy cái nồi cũ, vật đáng giá nhất trong nhà có lẽ là mấy bộ sách vở của các con anh. Đứa con gái lớn vừa tốt nghiệp lớp 12, gác lại giấc mơ học lên nữa vì cơm còn không có ăn lấy đâu tiền học.

Đứa con trai nhỏ hơn vừa lên lớp 12, thằng út thì học lớp 5. Khi chúng tôi đến nhà, thằng út đang vét cơm trong nồi. Thức ăn của nó là mấy cọng rau muống luộc và muối cục.

Chị Phùng Thị Ngọc Anh – vợ anh Nghiệp kể rằng, vợ chồng chị nghĩ là làm ruộng có thể sống được nên bán hết đất ở Đồng Tháp sang đây chồng tiền “nhận khoán” hơn 2ha đất nông trường để trồng lúa. Không có sổ đỏ, không vay được vốn sản xuất nên dù cả hai vợ chồng làm quần quật cũng không đủ tiền trả lãi vay bên ngoài và thuế khoán cho nông trường. Sau hơn chục năm làm ruộng, vợ chồng chị nợ nần chồng chất, lúa chưa kịp thu hoạch thì chủ nợ đã đến đòi.

Khi công ty nâng mức khoán lên gần 1,5 tấn lúa cho 2,2ha đất mà vợ chồng chị đang làm thì cả nhà rơi vào cùng quẫn, ngay cả gạo ăn cũng phải mượn từng bữa. Nhìn mảnh ruộng gắn bó với mình nhiều năm nay, anh Nghiệp rơm rớm nước mắt: “Chúng tôi không nhà không cửa, chỉ biết sống bám vào mảnh ruộng. Nay công ty nhất quyết lấy lại thì cả nhà tôi đói”.

Hàng xóm của anh Nghiệp là vợ chồng ông Võ Văn Lẫy cũng chung cảnh đói khổ. Ông Lẫy cho hay, công ty chỉ đề ra mức khoán sao cho thu được nhiều tiền nhất chứ chẳng đoái hoài gì đến cuộc sống người dân. Dân không tiền trả nợ, công ty cứ ngày một ngày hai đòi thu hồi đất. Cùng đường, ông Nghiệp phải “bán” đất cho ông Nguyễn Văn Khải để trả lại tiền cho công ty.

Hiện giờ cả gia đình 6 miệng ăn chỉ trông vào 0,5ha đất. Công ty ép ông phải ký lại hợp đồng mới với việc tăng thuế khoán lên gấp nhiều lần, không đồng ý thì trả lại đất. Sống trong cái chòi rách tả tơi, không điện, không nước, lại bị dọa treo nồi cơm mỗi ngày khiến cả nhà không ai có thể ngủ ngon…

Cách đó mấy đám ruộng, gia đình anh Phạm Văn Chung, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, bà Nguyễn Thị Mậu… sau nhiều năm thuê đất công ty vẫn phải ở trong những túp lều tồi tàn. Với họ, hạt lúa làm ra chỉ để… trả nợ. Sống trên vựa lúa mà ăn còn không đủ no nên chẳng ai dám mơ đến một mái nhà lành lặn…

 img
Căn nhà rách nát của anh Tăng Văn Nghiệp.

Phận “tá điền”

Một lãnh đạo xã Hưng Điền cho biết, phần đông nông dân đang làm ruộng trên đất nông trường đều là dân nghèo quê ở Đồng Tháp. Hàng chục năm trước, do thiếu đất sản xuất nên họ dắt díu nhau sang vùng Đồng Tháp Mười làm ăn. Đến nay, nhiều người vẫn chưa có chỗ ở hợp pháp (cất nhà trên đất công ty – PV) nên không có hộ khẩu. Vì lý do này mà địa phương cũng không thể cấp sổ hộ nghèo để người dân được hưởng những chính sách của nhà nước.

Nhiều nông dân không kiếm đâu ra tiền để đóng cho công ty theo mức khoán mới. Cầm tiền đến công ty xin được đóng theo mức cũ thì bị đuổi về. Năm 2009, công ty bất ngờ ra thông báo buộc dân phải nộp tiền “sản xuất trái phép”(?) với giá 3 triệu đồng/ ha/ năm! Thời gian “sản xuất trái phép” mà công ty tính cho dân đến nay là hơn 3 năm.

Chị Lâm Thị Loan rơm rớm nước mắt kể: “Gia đình tôi càng làm càng mang nợ. Không có tài sản thế chấp để vay vốn, hai vợ chồng đành đứt ruột bán chiếc ghe máy – vừa là “chân đi” vừa là phương tiện kiếm cơm để lấy 3,5 triệu đồng trả nợ. Cái nền nhà cũ ở Đồng Tháp cũng phải bán nhưng đến nay vẫn là con nợ trong khi trong tay không có tài sản nào”.

Ông Dương Văn Liền kể, hai vợ chồng ông khi nhận khoán nhiều tháng liền phải ăn lúa ma (lúa mọc tự nhiên vào mùa lũ ở Đồng Tháp Mười) để có sức san lấp những hố bom rộng hàng ngàn mét vuông. Càng làm càng nợ, ông phải “trả lại” gần 2 ha đất cho công ty để trừ nợ. “Cả 9 miệng ăn trong nhà chỉ còn trông vào miếng đất 0,6ha còn sót lại. Mấy năm nay công ty liên tục đòi lại nhưng gia đình tôi chưa trả. Làm ruộng dù lỗ cũng còn có hột gạo bỏ vô nồi để nấu. Công ty lấy lại chúng tôi chỉ còn đường chết vì không còn chỗ nào để đi…

Cảnh nhà bà Dương Thị Mức cũng hết sức bi đát. Chồng chết, bà một nách nuôi 5 con. Khi công ty đòi lấy đất, bà ra cản thì bị… bắt nhốt một ngày một đêm. “Đói quá, mấy đứa con tôi giờ đi bán cốm dạo ở tuốt Tây Ninh, Bình Phước. Đất ở đây mà bị lấy thì chắc tôi cũng phải ra đường mà sống” - bà Mức nghẹn lời...

Kỳ 3: Dồn dân đến... chân tường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem